Theo dõi trên

Chống trì trệ như chống dịch

26/06/2020, 14:44

BT- Năm nay đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Ở Bình Thuận dịch Covid-19 tác động nhiều mặt kinh tế - xã hội, khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Thống kê có hàng trăm doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, hàng ngàn doanh nghiệp doanh thu bị thiệt hại nặng, thậm chí bằng không, trên 4.700 doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm nghỉ, thu hẹp quy mô hoặc sản xuất cầm chừng, trên 21.700 lao động ngưng việc và thất nghiệp.

Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn ấy, việc lãnh đạo tỉnh gặp mặt, đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp vào cuối tuần qua, để nắm bắt tình hình khó khăn trong sản xuất kinh doanh và lắng nghe ý kiến, tâm tư, hiến kế của giới doanh nhân là rất cấp thiết. Cuộc gặp này không phải để "than nghèo, kể khổ", mà quan trọng nhất là để động viên, khơi dậy ý chí, tinh thần yêu nước của các doanh nhân - lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế - để vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng quê hương trong lúc Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã gần kề.

Có lẽ thiết thực nhất trong lúc này là kịp thời giải quyết ngay 52 kiến nghị của 8 hiệp hội ngành nghề (Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch, Hội doanh nhân trẻ, Hiệp hội nhà thầu - xây dựng, Hiệp hội điện gió, Hiệp hội thanh long, Hiệp hội vận tải ô tô, Hội nữ doanh nhân). Trong đó có những kiến nghị bức xúc như:

Hiệp hội điện gió kiến nghị nâng cấp đường dây truyền tải điện, để giải phóng công suất các dự án điện gió, điện mặt trời; giải quyết chồng lấn giữa khu vực quy hoạch điện gió với quy hoạch thăm dò, khai thác titan - đây là kiến nghị kéo dài và lên tận Trung ương nhưng chưa được giải quyết, khiến Bình Thuận không thể phát huy được tiềm năng điện gió lớn nhất nước của mình. Sắp tới lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành để tháo gỡ "điểm nghẽn" này.

Hiệp hội du lịch với những kiến nghị sát sườn như: đầu tư kinh phí quảng bá điểm đến để kích cầu du lịch nội địa; miễn phí tham quan các điểm di tích - danh thắng; giảm, hoãn tiền thuê đất, thuế đất cho các doanh nghiệp du lịch đang cố gắng gượng dậy...

Dịch Covid-19 như "siêu bão" quét qua không chừa một ai, vì thế hầu hết hiệp hội ngành nghề đều kiến nghị ngành thuế, ngân hàng, bảo hiểm, LĐTB-XH... cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, hoãn thời hạn nộp các loại thuế, tiền thuê đất, mặt bằng, hoãn đóng các loại bảo hiểm, miễn nộp phí công đoàn, hỗ trợ kịp thời người lao động trong thời gian nghỉ việc...

Chính phủ đã chỉ thị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển. Vấn đề là sự hỗ trợ ấy nhanh chóng hay chậm trễ, nhanh một chút là doanh nghiệp sống, chậm một chút là doanh nghiệp không còn tồn tại nữa. Trong lúc này không thể chấp nhận thái độ vô cảm, đùn đẩy qua lại, thậm chí cán bộ - công chức gây khó dễ, phiền hà, nhũng nhiễu, đòi doanh nghiệp "bôi trơn" mới giải quyết công việc. Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã so sánh: Việt Nam thắng vì "chống dịch như chống giặc", giờ để hồi phục kinh tế phải "chống trì trệ như chống dịch"!

Vào cuối buổi lãnh đạo tỉnh đối thoại với doanh nghiệp vừa qua, khi nghe thông tin Quốc hội vừa biểu quyết thông qua việc chuyển đổi đầu tư từ phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 3 dự án cao tốc: Mai Sơn-QL45 (63,3 km), Vĩnh Hảo-Phan Thiết (113 km) và Phan Thiết - Dầu Giây (99 km), giao Chính phủ triển khai thực hiện chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành đưa vào sử dụng. Cả hội trường đông đảo doanh nghiệp - doanh nhân đã đứng lên vỗ tay phấn khởi. Có thể hiểu được tâm trạng ấy, vì có các tuyến cao tốc này kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thời gian từ Phan Thiết - TP. Hồ Chí Minh rút ngắn còn một nửa (4 giờ còn 2 giờ). Một doanh nhân hồ hởi nói: Nhiều người đã nghĩ tới viễn cảnh sống ở Phan Thiết (gần biển) và làm việc tại Sài Gòn (hoặc ngược lại) rồi anh ạ. Có cao tốc kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, trước tiên du lịch, bất động sản của Bình Thuận sẽ khởi sắc. Giới đầu tư đã chờ đợi dự án này từ rất lâu rồi.  

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống trì trệ như chống dịch