Theo dõi trên

Chấn chỉnh công tác cán bộ chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng

13/09/2019, 07:26

BT- Đại hội lần thứ XIII của Đảng dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021. Trước đó đại hội Đảng các cấp được tiến hành trong năm 2020; theo đó đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở bắt đầu từ tháng 4/2020, hoàn thành trước ngày 30/6/ 2020; đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương hoàn thành trước ngày 31/8/2020 và đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương hoàn thành trước ngày 31/10/2020.

Càng đến gần đại hội thì công tác nhân sự càng được xã hội quan tâm, bởi cán bộ là “gốc của mọi công việc” và công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Tại Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: Phải đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng… Chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, hàng loạt cán bộ cao cấp, trong đó có cả những cán bộ chức vụ rất cao và quan trọng bị xử lý. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay có trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự; trong đó có cả những cán bộ chức vụ rất cao và quan trọng như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành… Tại Kết luận số 55-KL/TW ngày 15/8/2019, Ban Bí thư đã chỉ rõ: Thực tiễn công tác cán bộ những nhiệm kỳ vừa qua cho thấy: Mỗi khi đến thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ các cấp, công tác cán bộ lại xuất hiện biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “cục bộ”, “thân quen”, “lợi ích nhóm”, mất dân chủ, thiếu gương mẫu, “nể nang, dễ dãi”, “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau” trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ... Bên cạnh đó, có nơi, cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp ủy còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ “mất phiếu”, ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung…

Trước tình hình trên, cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ. Việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, chỉ định, giới thiệu, điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách đối với cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện (cơ cấu, số lượng, độ tuổi, tín nhiệm...), quy trình, chế độ, chính sách theo đúng quy định. Kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, uy tín...; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, cục bộ, lợi ích nhóm; thiếu gương mẫu, không sẵn sàng chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước; phẩm chất, năng lực hạn chế, có biểu hiện “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau”; thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, dĩ hòa vi quý...

Trong công tác cán bộ cần phải tuân thủ các nguyên tắc của Đảng; bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo có thẩm quyền; đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức, cán bộ; bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch; đề cao trách nhiệm cá nhân trong thảo luận và quyết định theo đa số. Đối với những việc khó, phức tạp, nhạy cảm hoặc ở những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết thì càng phải giữ vững nguyên tắc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm quy chế, quy định của Đảng.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chấn chỉnh công tác cán bộ chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng