Theo dõi trên

Câu chuyện “thời 4.0 về văn hóa”

03/04/2019, 16:12 - Lượt đọc: 594

BTO- Toàn cầu hóa, kinh tế tăng trưởng nhanh và cách mạng 4.0 đang tạo ra những xáo trộn văn hóa bên trong mà không phải ai cũng theo kịp. Sự biến đổi văn hóa diễn ra như một quy luật tất yếu đã đồng thời vừa mang lại những nét tích cực cho con người hướng đến một xã hội văn minh, nếp sống văn minh, vừa làm nảy sinh các nguy cơ xâm hại, xóa bỏ hoặc làm biến thái di sản văn hóa, giá trị của di sản văn hóa. Trong sự đi lên nhiều mặt của xã hội, không khỏi không ái ngại trước những tệ nạn ngày càng phức tạp. Sự suy đồi, sự độc ác, sự vô cảm… đang bủa vây đời sống mà người lạc quan nhất cũng phải băn khoăn...

Gần đây xã hội liên tục xảy ra quá nhiều chuyện “ồn ào”, từ chuyện “vuông, tròn, tam giác”, nhà hát ngàn tỉ, gian lận thi cử ở Hà Giang, đến chuyện thỉnh vong ở chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, chuyện hãm hiếp bạn học ở Quảng Trị, chuyện học sinh đánh bạn dã man ở Hưng Yên… Những thứ đó cũng là một phần của văn hóa thời 4.0 đấy chứ. Ta không nên nhìn xã hội bằng “màu đen”, cũng không nên bằng “màu hồng”, mà nên nhìn xã hội bằng “màu đúng” của nó. Chỉ khi ta nhìn xã hội bằng màu đúng thì ta mới có thể biết phải làm gì với nó và sống đàng hoàng với nó.

Câu chuyện nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành: Sự vô cảm dung dưỡng bạo lực học đường trong cơn “cuồng phong” biến động đó của thời đại, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Khi “Khá bảnh” nổi lên, trở thành một hiện tượng mạng xã hội với gần 2 triệu lượt người đăng ký theo dõi trên YouTube, có những ai đã băn khoăn tự hỏi số phận dường như đã sắp xếp sai bổn phận cho cá nhân này? Thực ra, có thể đã không có một “Khá bảnh” “lẫy lừng” và làm tốn giấy mực đến thế nếu không có Facebook và YouTube. Lại câu chuyện tự do tín ngưỡng và tin vào tôn giáo để tốt đời đẹp đạo là việc không có gì để phê phán. Nhưng cũng có những người thái quá, mù quáng để rồi bị lợi dụng và bị “làm tiền” ở chùa Ba Vàng… một số câu chuyện trên khiến con người ta trở nên hoang mang, không rõ đâu là đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà. Nếu chỉ được dùng một từ để diễn tả thời đại 4.0 ở khía cạnh văn hóa chứ không phải khía cạnh công nghệ thì từ đó là thời “loạn chuẩn”. Một biểu hiện rõ nhất của sự “loạn chuẩn” trong xã hội hiện nay đó là có quá nhiều người không minh định được sự khác nhau giữa tự do và hoang dã, giữa đức tin và mê tín, giữa chân thật và trơ trẽn, giữa cá tính và quái tính…

Khi con người có “thói quen” làm những việc tốt thì sẽ trở thành người tốt, khi con người có “thói quen” làm những việc xấu sẽ trở thành một kẻ xấu. Mọi hành động được lặp đi lặp lại một cách có ý thức và có hệ thống sẽ trở thành phong tục. Phong tục không bao giờ có sẵn mà do con người làm nên, cũng như văn hóa.

Người xưa có câu: “Cây đơm hoa bởi rễ đã mang hoa”. Nghĩa là chỉ khi một con người mang một tâm hồn đẹp, nhân ái mới có được những hành động đẹp và nhân ái; và “Mất nửa đời học làm thơ, mất cả đời học làm người”. Không nhà giáo dục chân chính nào từ cổ chí kim có thể nói người này đã được giáo dục đầy đủ hay giáo dục xong.  Vậy ta sống thế nào trong bối cảnh như vậy? để sống tốt, ta phải chạm vào được những giá trị vượt không gian và thời gian, những giá trị đúng với mọi nơi và mọi thời đại. Nếu không chạm tới những giá trị đó, ta sẽ có cảm giác như đang sống cuộc đời thử sai, sẽ cảm thấy chơi vơi trong xã hội và thời đại này.

Thiết nghĩ, có ba môn học tối thiểu con người cần tìm hiểu để có văn hóa là triết học, lịch sử và tôn giáo. Cả ba cái đó đều đang bị “gãy”. Lâu nay nền giáo dục của chúng ta chưa được học đúng nghĩa ba môn học này như một tri thức của văn hóa nhân loại. Trong khi, ba thứ đó là linh hồn của văn hóa. Nếu trong nhà trường chưa được học linh hồn của văn hóa một cách đầy đủ và đúng nghĩa thì làm sao có văn hóa khi có những công dân văn hóa chúng ta mới có được một xã hội văn hóa. Hãy làm những điều tốt một cách bền bỉ và đến một ngày chúng ta sẽ có một kết quả tốt đẹp. Phải chăng, đã đến lúc phải quyết liệt lấy văn hóa làm động lực cho hành trình đưa Việt Nam vào thời đại công nghiệp 4.0.

 Dụng Văn Duy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện “thời 4.0 về văn hóa”