Theo dõi trên

Cảnh báo phát triển nóng cây thanh long

23/05/2018, 16:21

BTO- Chuyên mục "chào buổi sáng" trên VTV1 mới đây phản ánh tình hình phát triển thanh long rất nóng ở nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết: nếu năm 2010 toàn huyện Châu Thành mới có 1.000 ha thanh long, thì tới nay diện tích thanh long tăng lên gấp 8 lần (đạt 8.000 ha), bình quân mỗi năm nông dân chuyển gần 1.000 ha lúa sang trồng thanh long. Còn tại tỉnh Tiền Giang cũng đang đứng trước nguy cơ toàn bộ diện tích lúa sẽ bị thay thế bằng thanh long.

Trồng thanh long ở Long An. Ảnh: IT

Thanh long không chỉ lấn lúa, ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Phước, BR-VT, nhiều nhà vườn cũng đang đốn bỏ điều, tiêu để trồng thanh long.

Tình hình trên làm tăng nguy cơ khủng hoảng thừa thanh long nếu chính quyền không kịp thời quy hoạch, khuyến cáo và có biện pháp ngăn chặn nông dân ồ ạt phá lúa làm thanh long. Nhiều nông sản Việt Nam đang phải "giải cứu", tỉnh Quảng Nam đã năm thứ 4 liên tiếp kêu gọi cả nước giải cứu dưa hấu giúp nông dân.

Ở Bình Thuận-thủ phủ thanh long của Việt Nam, diện tích thanh long có trên 27.000 ha (trong đó khoảng 9.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap) sản lượng hơn nửa triệu tấn/năm. Sau khi quy hoạch phát triển thanh long đến năm 2015 bị phá vỡ (vượt quy hoạch hơn 10.000 ha), đến cuối năm 2015 Bình Thuận đề ra quy hoạch phát triển thanh long đến năm 2020 là 28.000 ha, định hướng đến năm 2025 là 30.000 ha. Nhưng quy hoạch lần thứ 2 này cũng có nguy cơ tiếp tục bị phá vỡ, với tốc độ phát triển nhanh chóng hiện nay.

Trong khi đó, sản xuất thanh long ở Bình Thuận đang đối mặt một số vấn đề: Đó là tình hình sâu bệnh gia tăng trên cây thanh long; tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, thuốc kích thích; Đặc biệt việc mở rộng thị trường tiêu thụ không theo kịp đà tăng diện tích, sản lượng, nhiều thời điểm khủng hoảng thừa, giá thanh long tụt dốc thê thảm.

Thanh long là chủ lực trong trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Năm ngoái trong hơn 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trái cây thì thanh long chiếm 1/3. Thị trường chủ yếu vẫn là Trung Quốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro vì hầu hết thanh long xuất khẩu tiểu ngạch (xuất khẩu chính ngạch mới chiếm khoảng 3%). Ngay ở Trung Quốc lúc này cũng đã trồng diện tích 20.000 ha thanh long.

Bình Thuận định hướng phải sản xuất thanh long an toàn theo hướng VietGap mới bền vững được, nhưng "rào cản" là đầu ra cho thanh long VietGap. 2 vườn thanh long cạnh nhau, vườn thì sản xuất theo VietGap, vườn thì không, đến ngày thu hoạch cùng bán cho một vựa thu mua. Các vựa thanh long đưa ra mức giá dựa trên mẫu mã trái thanh long, chứ không phân biệt VietGap hay không.

Theo bà Đào Thị Kim Dung (Giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận): "Khó khăn đầu tiên mà chúng tôi đi đâu nông dân cũng hỏi là làm VietGap thì ai thu mua cho VietGap? Đây là thực trạng trong thời gian qua người sản xuất theo VietGap và người không làm theo VietGap thì buôn bán vẫn như nhau". Một khi điểm mấu chốt này chưa thực hiện được thì sản xuất thanh long VietGap còn thiếu bền vững.

Sản xuất-kinh doanh nông sản hiện nay không thể làm ăn riêng lẻ, mạnh ai nấy làm được nữa. Người "nhạc trưởng" là Bộ NN-PTNT phải có quy hoạch phát triển thanh long trên phạm vi cả nước, không để nông dân các tỉnh ồ ạt tự phát như trên.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo phát triển nóng cây thanh long