Theo dõi trên

Cẩn trọng khi dựng tượng đài các nhân vật lịch sử

25/05/2018, 10:05

BT- Chuyện xây dựng tượng đài các nhân vật lịch sử, nổi tiếng và có thực trong lịch sử dân tộc như: Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung... chưa bao giờ là đơn giản và thường làm nảy sinh các dư luận trái chiều, thậm chí tranh luận gay gắt. Lý do chúng ta thiếu tư liệu về trang phục của các vị, thiếu tư liệu về dung mạo, dáng dấp, ngoại hình của các vị, nên mỗi người tưởng tượng một kiểu.

Tượng đài anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt làm bằng chất liệu composite

Bởi thế nên mới có chuyện vui: Thành phố nọ có 2 ông Lý Thường Kiệt, tỉnh kia có 2 ông Quang Trung, vì tượng đài của các nhân vật lịch sử này khác nhau nhiều quá. Vua Quang Trung chỉ có một, nhưng mỗi nơi tạc tượng mỗi khác. Cách đây chưa lâu, chuyện 18 vua Hùng ở TP. Pleiku “môi đỏ như son, móng tay nhuộm đỏ như... hot girl” khiến dư luận phì cười, làm ngành văn hóa Gia Lai phải vội vàng sửa sai.

Thực tế, các vua Hùng là nhân vật huyền sử cách đây hàng ngàn năm, không hề có tư liệu lịch sử bằng hình ảnh. Cho đến nay các nhà sử học cũng chưa có đầy đủ tư liệu nhân chủng học nhận diện vua Hùng như thế nào, trang phục của thời Hùng Vương ra sao? Vậy nên xây dựng tượng đài vua Hùng tràn lan dễ dẫn tới mỗi địa phương một tượng đài vua Hùng khác nhau.

Ở Bình Thuận, mới đây khi Tập đoàn Rạng Đông có ý định lập tượng đài vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt (bằng đồng) ở ngay vị trí trung tâm khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Thường trực Tỉnh ủy đã có ý kiến chỉ đạo phải đăng tải công khai các thông tin, hình ảnh tượng đài trên Báo Bình Thuận, Đài PT-TH, và cổng thông tin điện tử tỉnh để lấy ý kiến góp ý của nhân dân và du khách, chính quyền thành phố, cũng như có sự thống nhất của Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).

Hiện công tác chuẩn bị lắp đặt tượng Lý Thường Kiệt tại Phố biển Rạng Đông đang được chủ đầu tư tiến hành công phu, từ khâu sáng tác, thiết kế, tạo hình bằng đất sét, sau đó tạo hình bằng vật liệu composite và lắp đặt thử trên bệ tượng, trước khi đúc tượng bằng đồng để lắp đặt chính thức trong thời gian tới.

Khắc phục việc một số tượng đài trước đây không ghi tên tuổi, nên không biết tượng của ai. Tượng đài Lý Thường Kiệt này ghi đầy đủ tên, tuổi và còn khắc ghi bài thơ Thần “Nam Quốc Sơn Hà” - bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Lý (Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận): Việc xây dựng tượng đài Lý Thường Kiệt - một trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam - người anh hùng có công đánh bại hoàn toàn 30 vạn quân xâm lược nhà Tống (1075 - 1077) trên sông Như Nguyệt - là việc làm có nhiều ý nghĩa, đồng thời đây cũng là công trình văn hóa, mỹ thuật có giá trị lịch sử phục vụ nhu cầu chiêm ngưỡng và giáo dục truyền thống cho nhân dân địa phương và du khách về lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của tổ tiên ta.

Tái hiện chân dung một nhân vật lịch sử bằng tác phẩm điêu khắc tượng đài (vừa cụ thể vừa khá trừu tượng) là thách thức lớn không chỉ cho người nghệ sĩ thực hiện tác phẩm, cho chủ đầu tư, mà còn là vấn đề quan trọng của thành phố nơi đặt tượng đài. Vì vậy cẩn trọng lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, ngành chức năng là việc cần thiết. 

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cẩn trọng khi dựng tượng đài các nhân vật lịch sử