Theo dõi trên

Cần quyết liệt xóa “dự án treo”

15/06/2017, 08:42 - Lượt đọc: 25

BT - Dự án “treo” đã và đang tồn tại nhiều năm ở hầu hết địa phương trong cả nước, trở thành một vấn đề bức xúc và cũng để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, lãng phí tài nguyên đất và gây bức xúc trong nhân dân. Bình Thuận cũng không phải là ngoại lệ khi có hàng trăm dự án (chiếm hơn 1/3) chậm triển khai, dự án chậm tiến độ.

Trước tình hình bức xúc đó, năm 2012 UBND tỉnh đã quyết định thu hồi 165 dự án. Mới đây Sở kế hoạch - Đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương thu hồi 12 dự án du lịch trên địa bàn Phan Thiết vì các dự án này đủ điều kiện triển khai xây dựng nhưng không triển khai, hoặc không tích cực phối hợp địa phương thực hiện công tác đền bù, giải tỏa và để kéo dài thời gian. Ngoài các dự án Sở Kế hoạch - đầu tư đề xuất, còn nhiều dự án mà qua tiếp xúc cử tri mới đây của các đại biểu cơ quan dân cử, người dân sở tại bức xúc và cũng đã có ý kiến đề nghị thu hồi như cử tri xã Thuận Quý (Hàm Thuận Nam) phản ánh nhiều dự án du lịch trên địa bàn còn bỏ hoang “treo” không tác động, chủ yếu lập dự án để nhượng lại, kiếm chênh lệch đề nghị UBND tỉnh có hướng xem xét xử lý thu hồi. Cử tri xã Tiến Thành (Phan Thiết) đề nghị tỉnh thu hồi 2 dự án là Đồi Bạch Dương và Đất Việt có từ năm 2010 nhưng đến nay chưa triển khai. Cử tri xã Hòa Thắng (Bắc Bình) phản ánh hiện có rất nhiều dự án du lịch được cấp phép trên địa bàn (nhất là khu vực thôn Hồng Hải) nhưng chưa triển khai thực hiện; đề nghị tỉnh xem xét cho chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong vùng dự án này nhưng chưa được đền bù, để vay vốn sản xuất…

Dự án “treo” có nhiều nguyên nhân, trong đó có tới hơn 80% dự án chậm triển khai liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến cho các cơ quan chức năng lẫn nhà đầu tư mệt mỏi, e ngại nhất. Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách về đất đai, quy hoạch, bồi thường GPMB không ổn định. Nhiều nội dung quy định trong các nghị định và văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế và có nhiều cách hiểu khác nhau nên khi áp dụng ở cơ sở rất khó khăn. Có khi, chính sách ban hành sau có lợi hơn nhiều so với chính sách ban hành trước, gây ra nhiều hệ lụy trong việc xử lý bồi thường GPMB. Mặt khác, sự phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, UBND các phường, xã còn chậm triển khai xác minh nguồn gốc đất trong dự án… Mặt khác, có những dự án không phải ách tắc do khâu GPMB hoặc đã hoàn tất GPMB nhưng vẫn chậm triển khai thực hiện, do nhiều chủ đầu tư không có năng lực quản lý, không đủ năng lực tài chính và đầu tư dàn trải nhiều dự án. Thậm chí, một số nhà đầu tư có dấu hiệu bao chiếm đất đai, “xí phần” để đầu cơ, sang nhượng dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đồng thời chấn chỉnh những vi phạm trong quản lý sử dụng đất, thiết nghĩ tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án trên phạm vi toàn tỉnh để kịp thời có các giải pháp xử lý vướng mắc. Kiên quyết thu hồi đối với dự án chậm tiến độ hoặc không có khả năng tiếp tục triển khai thực hiện; có phương án xử lý đối với các dự án có mức độ bồi thường, giải phóng mặt bằng thấp kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân để xử lý theo hình thức chấm dứt hiệu lực pháp lý văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư; thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi và giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Qua đó thúc đẩy các dự án khác tích cực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ.

Để tháo gỡ điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng và thu hồi đất, tỉnh cần kiến nghị với Trung ương sửa đổi bổ sung Luật Đất đai xác định rõ thẩm quyền của UBND cấp tỉnh khi phê duyệt đề án quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, các khu vực chỉnh trang đô thị. Việc giải phóng mặt bằng cần giao cho “Tổ chức phát triển quỹ đất” của tỉnh thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, sau đó tiến hành đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư nhằm bảo đảm tính minh bạch, công bằng, hạn chế tình trạng khiếu kiện như hiện nay, giúp nhà đầu tư giảm bớt khó khăn, ách tắc trong khâu thỏa thuận bồi thường, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

LÊ VĂN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần quyết liệt xóa “dự án treo”