Theo dõi trên

Cà phê doanh nhân - tại sao không!

21/03/2017, 08:02 - Lượt đọc: 57

BT - Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như dư luận xã hội đề cập nhiều đến “Cà phê doanh nhân” bởi hiệu quả nó mang lại. Trên tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ, việc tổ chức mô hình “Cà phê doanh nhân” là để lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình lãnh đạo tỉnh uống cà phê với doanh nhân. Ban đầu “Cà phê với doanh nhân” ở Đồng Tháp được lãnh đạo tỉnh tổ chức cuối mỗi tháng, rồi 2 tuần/lần, đến tuần/lần và bây giờ là hằng ngày. Cứ mỗi ngày, từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 30 phút, lãnh đạo tỉnh sẽ ngồi uống cà phê ngay trong khuôn viên căng-tin của tỉnh để doanh nghiệp nào cần gặp, có khó khăn vướng mắc gì đến chia sẻ ngay.

 Còn ở Quảng Ngãi, từ tháng 11/2016, sáng thứ bảy tuần đầu tiên của tháng, lãnh đạo UBND Quảng Ngãi và các sở, ban, ngành tổ chức gặp gỡ, trao đổi, giải quyết một số kiến nghị của doanh nghiệp ngay tại quán cà phê ở Nhà khách UBND tỉnh. Các tỉnh, thành khác như Tuyên Quang, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức hình thức này, được giới doanh nhân đánh giá cao.

Tại Cần Thơ, Chủ tịch “thủ phủ” miền Tây tuyên bố: Không dành thời gian họp hành trong ngày thứ hai hàng tuần, thay vào đó, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành tập trung dành trọn ngày này để tiếp doanh nhân (Business Monday), trừ những cuộc họp theo triệu tập từ Chính phủ. Chương trình này được cộng đồng doanh nghiệp đóng trên địa bàn hoan nghênh.

Các địa phương đã triển khai “Cà phê doanh nhân” cho biết, chương trình đã tạo được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp, tăng cường mối quan hệ giữa doanh nhân với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, tạo kênh chính thức để tiếp cận với chính quyền; các doanh nhân cũng chủ động hơn trong nắm bắt thông tin và mạnh dạn trao đổi, đề xuất những kiến nghị để lãnh đạo kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã có chuyển biến tích cực trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất là qua mô hình này, không gian chia sẻ sẽ gợi mở nhiều hơn về một hoặc nhiều ý tưởng nào đó về mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư vào một ngành hàng mới của doanh nghiệp. Ngược lại, lãnh đạo tỉnh cũng cần tham khảo ý kiến của doanh nghiệp khi muốn triển khai một chính sách mới, ngành hàng mới ở địa phương. Đặc biệt, qua những buổi gặp gỡ cà phê với doanh nhân có thể kết nối các doanh nghiệp lại với nhau, tạo sự liên kết trong từng ngành hàng nhất định, tham gia vào hiệp hội từ sản xuất, chế biến, xuất khẩu để nâng cao tính cạnh tranh, thay vì hoạt động riêng lẻ như trước đây.

Điều dễ nhận thấy là ở những địa phương đã tổ chức “Cà phê doanh nhân” đều là những tỉnh, thành đều có chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và chỉ số Par Index (Chỉ số cải cách hành chính) luôn cao và có nhiều cải thiện về thứ bậc trong những năm gần đây. Nhìn lại 2 chỉ số này ở Bình Thuận trong mấy năm qua không khỏi lo lắng. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh liên tục sụt giảm trong 4 năm (năm 2013 xếp hạng 22/63, năm 2014 thứ 23, năm 2015 thứ 26 và năm 2016 thứ 32); tương tự Chỉ số cải cách hành chính cũng sụt giảm qua các năm: 2013 xếp thứ 7, năm 2014 xếp thứ 17 và năm 2015 xếp thứ 34/63 tỉnh, thành (năm 2016 chưa công bố).

Việc tổ chức họp hành liên miên, hoặc suốt ngày 8 giờ ngồi trên bàn giấy chưa hẳn là tốt. Lãnh đạo tỉnh, ngành, địa phương cần dành thời gian và cách thức tiếp xúc linh hoạt, gần gũi, thân mật với doanh nghiệp và người dân như “Cà phê doanh nhân” có lẽ sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc đổi mới phương thức hoạt động “gần dân, vì dân” của hệ thống chính trị, trước hết là các cơ quan hành chính nhà nước.

L.V



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà phê doanh nhân - tại sao không!