Theo dõi trên

Bóng đá và Công tác cán bộ

11/12/2019, 14:16

BTO- Trong hơn hai năm qua, người hâm mộ bóng đá cả nước không khỏi tự hào khi bóng đá Việt Nam khẳng định ngôi vị số 1 Đông Nam Á. Người Việt Nam yêu mến đặt cho huấn luyện viên Park Hang-seo biệt danh “phù thủy” của bóng đá Việt Nam. Không có gì là quá khi ông được những chuyên gia bóng đá đánh giá mang tố chất của một nhà lãnh đạo thành công trong thế kỷ XXI khi cực kỳ chi tiết, nắm được chân tơ kẽ tóc của đội tuyển, biết sử dụng đúng sở trường của từng cầu thủ, có tư duy đột phá chiến lược, suy nghĩ khác người và đặc biệt là rất vô tư, trong sáng, hồn nhiên.

Đội tuyển bóng đá từ độ tuổi U22, U23 đến đội tuyển Quốc gia đã đem vinh quang và vị thế của nền bóng đá Việt Nam vươn lên tầm châu lục. Năm 2018 và năm 2019 đã thể hiện rõ thành quả của những năm tháng đào tạo, rèn luyện lứa cầu thủ hiện tại với những kỳ tích thực sự.

Ông Park sở hữu 5 yếu tố cần thiết với một nhà lãnh đạo để thành công, bao gồm: khả năng tư duy tự ngẫm; khả năng tham gia vào cuộc rất chi tiết; sự hợp tình, hợp lý và chính trực không thiên vị; sử dụng trực giác để ra quyết định và cuối cùng là tràn đầy tình yêu thương trong sinh hoạt với cả đội tuyển.

Với việc đưa Việt Nam lên ngôi vô địch AFF, SEA games 30... HLV Park Hang Seo đã để lại cho chúng ta nhiều bài học không chỉ trong bóng đá, đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế đất nước và công tác cán bộ hiện nay.

Trong giai đoạn hiện nay, muốn tiến xa hơn nữa cần đội ngũ cán bộ vững vàng về chuyên môn, trong sáng về đạo đức công vụ và trong công tác cán bộ cần có đột phá trong phát hiện, đào tạo nhân tài. Cán bộ như một cầu thủ bóng đá, với công việc được bố trí,  phải làm hết mình vì trách nhiệm và danh dự.

Từ bóng đá, chúng ta cũng cần xem để liên hệ với công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Vài ba thập kỷ gần đây, cán bộ các cấp được học hành chu đáo, bồi dưỡng, thử thách trong nhịp sống đổi mới, tác phong công nghiệp nên đã hoàn thiện và từng bước vươn lên. Tuy nhiên, trong thực tế còn có nhiều người trong số đó chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức “có vấn đề”. Một trong những nguyên nhân là khâu phát hiện và bồi dưỡng, đào tạo cả về chuyên môn lẫn đạo đức công vụ chưa đáp ứng yêu cầu, về những tiêu cực trong tuyển dụng và đề bạt cán bộ. Với tồn tại kiểu này khó mà xây dựng đội ngũ cán bộ đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, chưa nói đến phát hiện người thực tài. Đó là lý do tại sao trong công tác cải cách hành chính, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn còn nhiều nơi ì ạch, chậm đổi mới, trì trệ trong giải quyết công việc.

Chúng ta đã có những trung tâm đào tạo bài bản từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đến các trường chính trị cấp tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Đảng, Nhà nước đã đầu tư một lượng kinh phí lớn cho đào tạo và đào tạo lại. Nhưng dường như công tác đào tạo chưa đúng thực chất mà chủ yếu là để bổ sung bằng cấp, hợp thức hóa tiêu chuẩn cho một bộ phận cán bộ. Nói chính xác hơn là học cho đủ bằng cấp để có điều kiện cần và đủ trong quy hoạch, đề bạt cán bộ, chưa đủ kiến thức và thực tiễn phục vụ cho việc công. Có người còn đề nghị lập thêm “Học viện đạo đức” để dạy làm người,  làm lãnh đạo,… Học tập, bồi dưỡng để bổ sung, cập nhật kiến thức nhưng học chưa gắn với thực tế cũng là lỗ hổng. Bên cạnh đó, cơ chế ràng buộc nên không dễ loại ra những người không làm được việc, sức ỳ của biên chế suốt đời. 

Về công tác tổ chức, không thể nói khác, thành công to lớn của bóng đá Việt Nam vừa qua thì một trong những khâu quan trọng nhất, đó là công tác tổ chức mà ở đây là lựa chọn cầu thủ, sắp xếp vị trí, thay thế cầu thủ giữa trận đấu… Tất cả đều dựa trên sự đòi hỏi của đấu pháp, thậm chí trong mỗi thời điểm của một trận đấu. Song, việc không sử dụng cầu thủ này hay cầu thủ khác cho thấy một tầm nhìn chiến lược và một thái độ sòng phẳng, đặt thành tích của đội bóng lên trên hết.

Đây cũng là bài học lớn cho công tác cán bộ của ta. Có công thì thưởng công chứ không đem ánh hào quang quá khứ ám vào thực tại và tương lai. Ai phù hợp thì mời vào đội hình, ai không phù hợp thì tránh ra một bên. Tức là tìm người cho ghế chứ không xếp ghế cho người, đóng giày vừa chân chứ không “gọt chân” cho vừa giày.

Mong rằng tinh thần bóng đá, ý chí bóng đá, khát vọng bóng đá không chỉ lan tỏa ở lĩnh vực kinh tế, công tác cán bộ mà hiện diện mọi lúc, mọi nơi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Dụng Văn Duy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng đá và Công tác cán bộ