Theo dõi trên

Bố trí sản xuất rải vụ để tránh ùn ứ nông sản

25/03/2019, 09:51

BT- Câu chuyện nông sản “được mùa, rớt giá” không còn lạ đối với nông dân như mặt hàng dưa hấu, hành tím và thanh long như thời gian gần đây. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trước hết do được mùa, sản lượng tăng cao trong khi nhu cầu trong nước tăng chậm hơn, xuất khẩu gặp khó khăn. Cùng với đó, công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch chưa tốt, chưa sát với thực tiễn. Tổ chức sản xuất nhưng thiếu thông tin về thị trường, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa hiệu quả. Bên cạnh đó còn nhiều bất cập trong khâu bảo quản, vận chuyển, thông quan xuất khẩu hàng hóa.

Cùng chung câu chuyện “được mùa, rớt giá”, trong năm 2018 giá thanh long ở Bình Thuận xuống thấp, các thương lái không mua, gây thua lỗ nặng cho nông dân. Lý giải về điều này, nhiều người cho rằng những năm trước đây vào những ngày rằm, lễ tết... giá thanh long thường khá cao nên một số nông dân bố trí chong đèn để thu hoạch và bán vào dịp này. Nhưng năm 2018 vừa qua, do trùng hợp cả hàng chính vụ với hàng chong đèn nên trong giai đoạn cuối tháng 9/2018 đến khoảng 10 ngày đầu tháng 10/2018, sản lượng thanh long cho thu hoạch của tỉnh khá lớn (ước tính có trên 120.000 tấn thanh long). Không riêng tại Bình Thuận mà Long An và Tiền Giang, sản lượng thanh long thu hoạch vào giai đoạn này cũng khá lớn (Long An khoảng 50.000 tấn, Tiền Giang khoảng 30.000 tấn). Việc tăng sản lượng đột biến trong khoảng thời gian ngắn, với thị trường tiêu thụ chủ lực của nước ta là Trung Quốc, trong giai đoạn này trùng với Lễ Quốc khánh của Trung Quốc (ngày 1/10 dương lịch) các thương nhân Trung Quốc nghỉ lễ và tạm ngừng các hoạt động kinh doanh, kể cả việc thông quan hàng hóa cũng khó khăn nên lượng thanh long tồn đọng ngày càng nhiều. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có gần 100 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế đóng gói thanh long có kho lạnh với sức chứa khoảng 20.000 tấn. Các doanh nghiệp kinh doanh thanh long của tỉnh mặc dù tập trung thu mua nhưng do sản lượng sản xuất quá lớn, thị trường tiêu thụ bị ách tắc nên các kho lạnh dự trữ đầy, buôn bán cầm chừng nên giá xuống thấp.

Điều đáng nói là thị trường Trung Quốc tiêu thụ thanh long với số lượng nhiều, nhưng vẫn ở mức độ nhất định, còn thanh long xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khác như: Singapore, malaysia, Indonesia, UAE… ngày càng ít. Các cơ sở chế biến các sản phẩm từ trái thanh long như: rượu thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép thanh long… công suất chế biến quá nhỏ, tiêu thụ thanh long tươi với sản lượng không đáng kể.

 Nhằm tăng cường hỗ trợ nông dân tiêu thụ thanh long, Sở Công Thương đã đề nghị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các siêu thị trong hệ thống Coopmart tăng cường các hoạt động kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ thanh long Bình Thuận, giới thiệu doanh nghiệp kết nối với mạng lưới siêu thị Big C…Tuy nhiên, với sản lượng sản xuất quá lớn và thu hoạch rộ trong cùng một thời điểm nên việc tồn đọng thanh long là không thể tránh khỏi. Việc triển khai thực hiện các giải pháp “giải cứu” chỉ góp phần tăng thêm số lượng tiêu thụ, nhưng không đáng kể so với sản lượng thu hoạch của nông dân trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, trong đó có thanh long. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ đòi hỏi các địa phương phải quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cùng với hàng loạt chính sách kèm theo.

Trong thời gian đến, nhằm hạn chế sản lượng thanh long tăng đột biến, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, phát triển thanh long bền vững, nâng cao năng suất chất lượng, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Hội Nông dân tỉnh, Hiệp hội Thanh long khuyến cáo người dân cần bố trí sản xuất rải vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất và tiêu thụ theo mô hình chuỗi liên kết để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thanh long đầu tư xây dựng, mở rộng các kho lạnh bảo quản thanh long, nhằm tăng khả năng dự trữ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và góp phần khắc phục việc hư hại khi thanh long trúng mùa, thu hoạch rộ…

thanh quang



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bố trí sản xuất rải vụ để tránh ùn ứ nông sản