Theo dõi trên

Bình Thuận sẽ có nhiều nhà máy điện mặt trời nổi

13/07/2018, 08:51

BT- Mới đây, trong buổi tiếp Công ty Mitsubishi corporation Việt Nam (thuộc Tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản) đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đã bày tỏ mong muốn nhà đầu tư nghiên cứu khai thác thế mạnh sản xuất điện gió, điện mặt trời, nhất là diện tích mặt nước ở các công trình thủy lợi (Nhật Bản là quốc gia đi đầu về công nghệ điện mặt trời nổi trên mặt nước - NV).

Sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản đã phát triển mạnh các nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt hồ thủy lợi, vừa tiết kiệm đất, ngăn tình trạng bốc hơi nước, hiệu suất điện mặt trời nổi cũng vượt trội do nước phía dưới làm mát hệ thống. Nhiều nước khác cũng đang phát triển điện mặt trời nổi. Hiện có ít nhất hàng trăm dự án điện mặt trời nổi đang hoạt động trên khắp thế giới.

Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, EVN đã lập một số dự án điện mặt trời nổi tại các hồ thủy điện, như hồ Thác Bà (Yên Bái), hồ Trị An (Đồng Nai) công suất 126 MW, hồ SeSan (Gia Lai) 47 MW, hồ Đa Mi (Bình Thuận) 47,5 MW... nhằm tận dụng diện tích mặt hồ rộng lớn, hệ thống hạ tầng lưới điện và đội ngũ công nhân kỹ thuật sẵn có để sản xuất điện.

Bình Thuận là tỉnh mưa ít nắng nhiều, lượng ánh nắng mặt trời nhiều nhất, nhì cả nước, nên nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tiềm năng điện mặt trời của Bình Thuận. Tính đến cuối tháng 6 năm nay đã có 83 dự án điện mặt trời đăng ký đầu tư vào Bình Thuận, với tổng công suất 4.782 MWp, vốn đầu tư 124.000 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm nay có 9 dự án điện mặt trời, 1 dự án điện gió được cấp phép. Tổng cộng đến nay Bình Thuận đã cấp phép cho 14 dự án điện mặt trời, tổng công suất 723 MWp, vốn đầu tư 20.729 tỷ đồng.

Nhưng rất nhiều dự án điện mặt trời đang bị “vướng” titan không triển khai được. Mặt khác vùng ven biển còn tập trung rất nhiều dự án du lịch, điện gió... trong khi việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời cần diện tích rất rộng. Đất đai ven biển thì ngày càng khan hiếm, đắt đỏ.

Trong lúc đó là tỉnh khô hạn bậc nhất nên Bình Thuận có hàng chục hồ chứa thủy lợi, thủy điện quy mô lớn như: hồ Sông Quao, hồ Cà Giây, hồ Lòng Sông, hồ Sông Móng, hồ Đá Bạc, hồ Sông Dinh 3, hồ Đại Ninh, hồ Hàm Thuận - Đa Mi... đây là tiềm năng để phát triển các nhà máy điện mặt trời nổi, đây cũng là giải pháp tuyệt vời tiết kiệm nước, ngăn bốc hơi với một vùng khô hạn.

Năm ngoái Công ty CP thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (thuộc EVN) đã xúc tiến dự án điện mặt trời nổi tại tại hồ Đa Mi, công suất 47,5 MW, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, diện tích mặt hồ sử dụng trên 50 ha, dự kiến đưa vào vận hành quý 2/2019, với 69 triệu KWh điện trong năm đầu tiên.

Với tiềm năng nắng và mặt hồ sẵn có, chỉ cần thu hút được vốn và công nghệ của nước ngoài, tương lai Bình Thuận sẽ có nhiều nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt hồ, thậm chí cả trên mặt biển.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận sẽ có nhiều nhà máy điện mặt trời nổi