Theo dõi trên

“Biển lấn” và “Lấn biển”

21/07/2017, 11:43 - Lượt đọc: 12

BTO: Trong lúc dư luận đang đặc biệt quan tâm đến việc Bộ TN-MT cấp phép cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm vật liệu nạo vét xuống vùng biển Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, tâm điểm chú ý là vấn đề môi trường, thì nhiều hoạt động của tự nhiên, của con người vẫn diễn ra theo một quy luật tất yếu.

“Biển lấn”

Do biến đổi khí hậu rõ nét, hiện tượng xâm thực bờ biển vào mùa bấc ở Bình Thuận ngày càng dữ dội, ảnh hưởng đến dân sinh và hoạt động du lịch.

Biển xâm thực nhà dân ở Bình Thuận

Chỉ tính riêng 3 địa phương bị biển xâm thực nặng nhất là TP Phan Thiết, TX La Gi, huyện Tuy Phong đang khẩn thiết kiến nghị tỉnh và trung ương hỗ trợ khoảng 400 tỷ đồng để xây kè kiên cố, bảo vệ bờ biển.

Ở các nơi như Phước Lộc (TX La Gi), Đức Long, Tiến Thành (TP Phan Thiết), hay TT Liên Hương (Tuy Phong), triều cường sóng lớn đã cuốn trôi ra biển hàng trăm nhà dân, đe dọa hàng trăm nhà khác.

Những nơi này đều đã có quy hoạch xây dựng kè biển kiên cố, nhưng do ngân sách địa phương hạn hẹp, số tiền nhà nước hỗ trợ làm kè tạm, giúp dân chống chọi với triều cường sóng lớn, chỉ như” muối bỏ bể”.

Đối phó với nạn biển xâm thực vào đất liền, tỉnh Bình Thuận đang kiến nghị TW hỗ trợ kinh phí xây kè biển kiên cố.

  “Lấn biển”

Đảo quốc Singapore đã “mở mang bờ cõi” thêm 22% diện tích trong 50 năm qua, bằng đất, cát, đá mua từ nơi khác về. Singapore hiện là nước nhập khẩu cát lớn nhất thế giới.

Quần đảo Palm Jumeirah hùng vĩ, hoàn toàn nhân tạo của Dubai được xây dựng từ khoảng 110 triệu m3 cát nạo vét đáy biển.

Quần đảo Palm Dubai

Nhật Bản đã lấn biển xây dựng nên những sân bay, thành phố. Nhiều TP Nhật Bản đang tiến ra biển với các kế hoạch xây đảo nhân tạo, hay công trình lấn biển quy mô bằng cách nạo vét và san lấp hàng triệu tấn vật liệu.

Ngay ở Việt Nam, vài trăm năm trước cụ Nguyễn Công Trứ đã lãnh đạo dân chúng quai đê lấn biển, khai hoang lập ra 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình), Kim sơn (Ninh Bình) sử sách còn lưu truyền đó sao.

Ở một diễn biến khác, Bình Thuận có 8 cửa sông, cửa biển đang bị bồi lấp, tàu thuyền ra vào khó khăn. Để phục vụ nghề cá, nhiều năm nay chính quyền chủ trương nạo vét các cửa sông, cửa biển theo phương thức xã hội hóa (doanh nghiệp nạo vét được tận thu cát tiêu thụ nội địa để lấy thu bù chi). Song do tình hình tiêu thụ cát nhiễm mặn khó khăn, chủ trương này đang bế tắc, khó thực thi.

Nếu khảo sát, quy hoạch một khu vực bờ biển nào đó, rồi đem hàng triệu m3 bùn cát nạo vét ở cầu, cảng, cửa sông, cửa biển tập kết về đó để lấn biển, thì vừa có thêm diện tích đất sử dụng, vừa an toàn hơn cho môi trường.

Tất nhiên, vận chuyển vật chất nạo vét đi xa hơn sẽ tốn kém hơn, ảnh hưởng lợi nhuận đơn vị kinh doanh.

Có nghĩa vật chất nạo vét không phải “đồ bỏ” mà là một loại tài nguyên.

Với quan niệm ấy, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng đã đề nghị TW nghiên cứu phương án sử dụng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng làm các công trình lấn biển. Bình Thuận sẽ khảo sát, chọn và đề xuất các Bộ, ngành chức năng vị trí sử dụng vật chất nạo vét để lấn biển.

Hoặc đề xuất Chính phủ cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn, thu ngoại tệ cho đất nước.

Thế kỷ 21 là thế kỷ loài người tiến ra biển. Việt Nam là quốc gia ven biển, Nghị quyết của Đảng đã xác định phải giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Biển lấn” và “Lấn biển”