Theo dõi trên

Biển không còn yên tĩnh

29/09/2017, 08:48

BT- Ngày 1/6/2016, trong lúc nấu cơm tối bằng bếp củi, vợ ông Nguyễn Văn Bé ở xã Long Hải (Phú Quý) bất cẩn làm lửa bén ra ngoài lan đến chỗ giấu thuốc nổ. Một vụ nổ lớn rung chuyển Long Hải, làm sập căn nhà ông Bé, 5 người bị thương, gần 50 căn nhà xung quanh bị hư hại.

“Cháy nhà ra mặt chuột”. Khám nghiệm hiện trường công an còn thu giữ được tại nhà ông Bé 18,7 kg thuốc nổ TNT, 834 kíp nổ, 50m dây cháy chậm. Bé thừa nhận: Số thuốc nổ trên do mình mua về cất giấu trong nhà để bán cho ngư dân đánh cá. Công an đã khởi tố Bé về tội tàng trữ trái phép vật liệu nổ.

Tưởng rằng sau vụ nổ kinh hoàng ấy, những người có ý đồ tàng trữ, sử dụng chất nổ đánh cá sẽ chùn tay. Nhưng không, liên tiếp từ đầu năm 2017 đến nay, ở Bình Thuận đã phát hiện 6 vụ tàng trữ, sử dụng chất nổ để đánh cá (chỉ tính những vụ bị phát hiện, xử lý).

Nghiêm trọng nhất, vào ngày 7/9/2017 tại khu vực Hòn Trứng (cách đảo Phú Quý 7 hải lý về hướng Tây Tây Bắc), Bộ đội Biên phòng phát hiện trên tàu cá BTh 88762TS do ông Nguyễn Ất (SN 1956) trú tại xã Long Hải (Phú Quý) làm chủ, có 1,5 kg thuốc nổ TNT chứa trong vỏ chai nước ngọt, cùng kíp nổ, dây cháy chậm. Tiếp tục khám xét nhà ông Ất, phát hiện thêm 43,5kg thuốc nổ TNT cất giấu trong chiếc chum sành chôn trong nhà. Ông Ất khai đã mua số thuốc nổ trên từ đất liền để đánh cá. Nếu không phát hiện kịp thời thì 45 kg thuốc nổ mà ông Ất sử dụng sẽ tàn phá môi trường biển tới mức nào?

Biển không còn yên tĩnh mà đang “nóng” lên vì nạn dùng chất nổ đánh bắt. Xung đột lợi ích xảy ra ngay trong nội bộ ngư dân, giữa người làm ăn lương thiện với người làm ăn bất chính. Ngày 3/7 vừa qua, quá bức xúc vì đội tàu lưới mùng dùng chất nổ “càn quét” vùng biển quê mình, 48 ngư dân Mũi Né (Phan Thiết) đồng loạt ký đơn tập thể kêu cứu UBND tỉnh. Bà con trình báo: Số tàu đánh cá bằng chất nổ đang gia tăng theo cấp số nhân, mức độ hủy diệt nguồn lợi ngày càng tăng, lượng chất nổ sử dụng mỗi lần ngày càng lớn, phạm vi đánh chất nổ mở rộng, có khi diễn ra sát bờ. Không ít trường hợp du khách đang tắm biển bị giật mình vì những tiếng nổ chát chúa gần bãi tắm. Nếu không ngăn chặn thì không chỉ cá, tôm, mực… mà cả du khách cũng không dám bén mảng đến vùng biển này nữa.

Ngư trường rộng lớn, kiểm ngư lại mỏng, thiếu phương tiện, tàu cá vi phạm sẵn sàng phi tang tang vật khi thấy bóng dáng tàu kiểm ngư từ xa, nên dù có tuần tra kiểm soát vẫn khó ngăn chặn nạn dùng chất nổ đánh cá. Chưa kể tại các trạm (nơi tàu, cano kiểm ngư neo đậu) luôn có “vệ tinh” theo dõi từng động tĩnh.

Bình Thuận từng là một trong ba ngư trường lớn nhất Việt Nam. Tình trạng khai thác tận diệt đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Tương lai con cháu ta còn gì để khai thác? Nhiều ngư dân lén lút ra nước ngoài đánh bắt trộm đã bị bắt, bị bỏ tù, bị phá hủy phương tiện, bị bêu riếu khắp bàn dân thiên hạ.

Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có công văn yêu cầu xử lý nghiêm hành vi tàng trữ, sử dụng chất nổ trái phép (điển hình là vụ ông Ất nêu trên). Công văn yêu cầu bà con ngư dân dũng cảm tố giác hành vi vi phạm; đồng thời siết chặt quản lý chất nổ ở các cơ sở khai thác khoáng sản.

“Chúng tôi muốn hỏi chất nổ này có cấm được hay không? Nếu cấm được thì chúng tôi còn giữ bám biển. Còn nếu không cấm được chất nổ thì bà con ngư dân chúng tôi phải kiếm nghề khác để mà sinh sống”.

Đó là câu hỏi hay khẩn cầu của ngư dân Trương Mẹo ở Mũi Né?  

ĐẶNG DŨNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biển không còn yên tĩnh