Theo dõi trên

Bạo lực gia đình: nỗi đau còn đó

19/06/2019, 15:22 - Lượt đọc: 42

BTO- Người ta thường nói: “Gia đình là nơi để yêu thương”. Từ lâu, gia đình vốn được xem là tổ ấm của mỗi người, nơi mà mỗi chúng ta luôn cảm thấy được bao bọc, chở che mỗi khi được trở về. Nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng và nhiều gia đình cũng không tránh khỏi đau xót khi bị ám ảnh bởi bạo lực gia đình (BLGĐ). BLGĐ là một vấn nạn mang tính toàn cầu, nó để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là với phụ nữ và trẻ em, làm hạn chế sự tham gia của họ vào cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân phụ nữ, trẻ em, mà còn vi phạm nghiêm trọng đến các quyền của con người.

Đọc trên báo, xem truyền hình, qua câu chuyện được phản ánh... chúng ta vẫn thấy nhức nhối tình trạng BLGĐ hiện nay đang diễn ra hàng ngày trên cả nước. Nguyên nhân thì nhiều, giải pháp cũng lắm, nhưng xem ra hiệu quả cũng đáng hoài nghi vì thiếu tính khả thi. Giải thích thế nào đây?

Bạo lực gia đình không chỉ làm xói mòn các giá trị đạo đức, phá vỡ sự bền vững của gia đình, mà còn là một trong những nguy cơ dẫn đến gia đình ly tán; gây tổn thương về mọi mặt tới những người thân yêu… Hệ lụy từ BLGÐ ai cũng thấy, cũng hiểu nhưng vẫn còn đó là những tiếng thở dài cam chịu, thậm chí là im lặng của nạn nhân là những người mẹ, con cái từ các vụ BLGÐ…

Trong xã hội hiện nay, BLGÐ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc. Những hành vi bạo lực đó gây ra những tiêu cực về mặt xã hội, dẫn đến sự bất ổn trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, BLGĐ không chỉ là bạo lực giữa vợ chồng với nhau, mà còn là hành vi bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình.

Hiện nay, BLGĐ tồn tại dưới nhiều hình thức: bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục... và gần như cặp đôi nào cũng đã từng đối mặt với các cấp độ khác nhau; thường là cha mẹ đánh đập con cái, vợ chồng nhục mạ nhau, anh em gây hấn…

Nguyên nhân BLGĐ do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải, như nghiện rượu, sa vào cờ bạc, vợ - chồng ly hôn, ngoại tình, con cái vi phạm pháp luật…, ai cũng dễ thấy tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình thì thường dẫn đến vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn, suy sụp, mâu thuẫn vợ chồng gay gắt và khi đó, bạo hành đối với vợ con là điều khó tránh khỏi. Nhưng, đi sâu vào vấn đề, “Bất bình đẳng giới” mới chính là nguyên nhân sâu xa nhất. Lẽ ra, đối với công việc chung trong gia đình, hai vợ chồng phải cùng chung vai gánh vác, nhưng người chồng với thói gia trưởng gần như đứng ngoài cuộc, do đó mà người phụ nữ cùng một lúc đảm đương nhiều việc, nếu không sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.

Đau đớn về thể xác, tổn thương về tinh thần kéo dài là hậu quả của nạn BLGĐ mà không phải người trong cuộc nào cũng dám đấu tranh, lên tiếng. Đã có không ít trường hợp người phụ nữ, con cái bị chồng, cha ngược đãi, hành hạ, nhưng vẫn cam chịu, nhẫn nhục, bởi không thể “vạch áo cho người xem lưng”, “đèn nhà ai nhà nấy sáng”, “xấu chàng hổ ai”.Hậu quả phụ nữ và con cái bị đánh thâm tím mặt và chân, tay; những trận đòn cứ đổ lên đầu phụ nữ và con cái trong gia đình. Hơn nữa, đây không còn là chuyện gia đình “đóng cửa dạy nhau” mà còn là chuyện của xã hội.

Để hạn chế tình trạng BLGĐ, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, tổ chức xã hội. Đặc biệt chú trọng hơn công tác tuyên truyền Luật Phòng chống BLGĐ không chỉ tới phụ nữ mà cả với nam giới để họ hiểu và kiểm soát hành vi ứng xử của mình trong gia đình. Bên cạnh đó, các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí để thành lập Câu lạc bộ phòng chống BLGĐ tại các địa phương, giúp phụ nữ cũng như người chồng biết ứng xử với nhau hài hoà hơn, tránh trường hợp “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Đồng thời, trang bị cho chị em phụ nữ “vũ khí tự bảo vệ” là sự hiểu biết, nghề nghiệp và ý thức vươn lên làm chủ bản thân, gia đình.

Cái giá phải trả cho BLGĐ là vô cùng lớn bởi nó không chỉ ảnh hưởng xấu tới nạn nhân và con cái họ mà còn tạo ra nhiều hệ lụy xã hội. Để công tác phòng chống BLGĐ có hiệu quả, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể ở cơ sở và người dân, đặc biệt là các nhóm phụ nữ nhằm hỗ trợ và bảo vệ các nạn nhân cũng vô cùng cần thiết.

Dụng Văn Duy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạo lực gia đình: nỗi đau còn đó