Theo dõi trên

42 năm - một chặng đường phát triển vượt bậc

19/04/2017, 08:26

Kinh tế là trung tâm

BT- Thấm thoát đã 42 năm kể từ ngày Phan Thiết được giải phóng (19/4/1975), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, ra sức xây dựng và phát triển Bình Thuận đạt được nhiều thành tích quan trọng. Từ một tỉnh khô hạn “thường trực” ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp thì nay Bình Thuận đã có nhiều công trình thủy lợi lớn như: hồ Sông Quao, hồ Cà Giây, hồ Đu Đủ, hồ Tà Pao, Sông Dinh 3…và nâng cấp nhiều công trình thủy lợi khác nên đã nâng diện tích chủ động nước, tạo điều kiện thâm canh tăng vụ, nâng cao hiệu quả cây trồng. Hệ thống thủy lợi đã được kết nối các vùng sản xuất, đưa diện tích gieo trồng được tưới từ 53,4 ngàn ha (năm 2005) lên 188 ngàn ha (năm 2016). Nhắc đến Bình Thuận không thể không nói đến kinh tế thủy sản,  bao gồm  cả khai thác và nuôi trồng gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu phát triển mạnh.  Toàn tỉnh hiện có 2.859 chiếc thuyền công suất 90 CV trở lên khai thác, đánh bắt xa bờ, số tàu dưới 30 CV giảm dần; các chính sách phát triển thủy sản được thực hiện tốt. Tính đến 30/9/2016 thực hiện phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ đạt 362,4 tỷ đồng (trong đó dư nợ cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ 164 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ 194,5 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu là 3,9 tỷ đồng). Các tàu thuyền đóng mới từ chương trình khai thác xa bờ đã phát huy tốt; nghề vây rút chì hoạt động đạt hiệu quả khá, đang chuyển hướng đánh bắt xa bờ. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, hình thức đa dạng, theo quy mô hộ gia đình như nuôi tôm sú, cá bống tượng, rô phi đơn tính, cá lóc, cá tra, cá mú… Các nhà máy thủy điện, phong điện, nhiệt điện được đầu tư và đi vào hoạt động, tạo điều kiện để sản xuất công nghiệp trong những năm qua đạt khá (bình quân tăng 13,5%/ năm).

Đường Tôn Đức Thắng (TP. Phan Thiết).
Đường 706B.
Sông Cà Ty.

Toàn tỉnh hiện có hơn 80 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa với hơn 50 thị trường trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong giai đoạn 2005 - 2014 tăng bình quân 12,5%/năm; năm 2016 kim ngạch xuất khẩu thực hiện đạt 110,1% kế hoạch, tăng 8,2% so với năm 2015. Kết cấu hạ tầng giao thông được xây dựng đến tận các vùng, miền, cả các xã miền núi, đáp ứng khá tốt nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Các tuyến đường kết nối giữa các huyện đều được nhựa hóa. Các tuyến giao thông quan trọng phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh như: quốc lộ 28; quốc lộ 55; đường Hàm Minh - Thuận Quý; Phan Thiết - Kê Gà - La Gi; Phan Thiết - Mũi Né - Hòa Thắng; Sông Mao - Phan Sơn; Chí Công - Bình Thạnh; đường ĐT 707 - Hàm Cần - Mỹ Thạnh, đường Phú Hội - Cẩm Hang - Sông Mao; đường ĐT 712 - thị trấn Đức Tài; đường giao thông trên đảo Phú Quý; đường Hòn Lan - Kê Gà; các tuyến Lạc Tánh - Đức Phú, cảng Phan Thiết, cảng Phú Quý… đã được đầu tư làm mới và nâng cấp, hình thành nên mạng lưới giao thông khá hoàn chỉnh trên địa bàn tỉnh và kết nối các tỉnh trong khu vực. Vận tải đường biển tuyến Phan Thiết - Phú Quý hoạt động ổn định và đang từng bước phát triển đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân đảo Phú Quý với đất liền.

Song hành là các mục tiêu xã hội

Việc chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội luôn được quan tâm. Phong trào xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh, nên giảm số hộ nghèo đói từ 32,4% (năm 1993), xuống còn 3,33% (năm 2015) và 1,2% (năm 2016). Mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với các hộ nghèo đã cơ bản hoàn thành trong toàn tỉnh. Phong trào đền ơn đáp nghĩa tiếp tục phát triển sâu rộng. Hàng năm vận động xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa đều vượt kế hoạch và đã giải quyết trợ cấp kịp thời cho các đối tượng chính sách. Quỹ vì người nghèo được tỉnh phát động hàng năm, được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ nên giá trị tiền đóng góp tăng hàng năm. Riêng năm 2016 thu được 9,308 tỷ đồng, đạt 112,2% kế hoạch. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, các hoạt động cứu trợ thực hiện kịp thời. Hàng năm đã giải quyết việc làm trên 20 ngàn người. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy với các chính sách ưu tiên giải quyết đất sản xuất, cho vay vốn chăn nuôi bò, giao khoán quản lý và bảo vệ rừng, tăng cường công tác khuyến nông, trợ cước trợ giá, hợp đồng cung ứng giống, vật tư, thu mua nông sản, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các chính sách hỗ trợ về giáo dục, chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số… đến nay đời sống của đa số bà con được nâng cao, bộ mặt xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khởi sắc hơn so với trước. Hoạt động giáo dục - đào tạo chuyển biến tích cực; đã thực hiện tốt việc kiên cố hóa trường học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở không ngừng phát triển; trang thiết bị được đầu tư; đội ngũ thầy thuốc được đào tạo, bồi dưỡng… cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 2016, 100% trạm y tế xã có bác sĩ, bình quân hiện có 6,4 bác sĩ/vạn dân (năm 2005: 5 bác sĩ/1 vạn dân; năm 2014: 5,56 bác sĩ/1 vạn dân, năm 2015: 6,2 bác sĩ/vạn dân). Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đến cuối năm 2016 là 94/127 xã, đạt 85% (năm 2015 là 74%). Công tác khám chữa bệnh đáp ứng nhiệm vụ được giao. Các bệnh viện chú trọng hơn việc sửa chữa, nâng cấp, đầu tư mới cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho bệnh nhân; phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng từ 22% (năm 2005) giảm còn 8,9% (năm 2016); tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ 84,7% (năm 2005) đã tăng lên 96,5% (năm 2016).  

Đại lộ Hùng Vương (TP. Phan Thiết).

Biến thách thức thành lợi thế

Là một tỉnh khô hạn, hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế nhưng 42 năm qua, nhất là từ khi tái lập tỉnh (1992) đến nay, Bình Thuận đã căn bản chủ động về nước. Nét sáng tạo ở đây là tỉnh đã có chủ trương “nối mạng thủy lợi”, mặc dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn về địa hình, nhưng đã tạo được sự liên thông giữa các hồ và xây dựng hệ thống kênh mương đều khắp các vùng sản xuất.  Mặc dù là tỉnh thừa nắng, gió, nhiều vùng bị sa mạc hóa nhưng tỉnh đã từng bước biến những khó khăn, thách thức ấy thành những lợi thế của tỉnh như chủ động chuyển đổi cây trồng, trồng các loại cây chịu hạn tốt như: thanh long, cây trôm; vùng cát phát triển nuôi dông, có nơi trồng thanh long; vùng gió nhiều thì phát triển điện gió; sử dụng gió phát triển các môn thể thao trên biển, thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế... Các sản phẩm truyền thống và du lịch như: nước mắm Phan Thiết, nước suối Vĩnh Hảo, thanh long, tôm giống, Khu du lịch Hòn Rơm - Mũi Né... tiếp tục giữ vững thương hiệu. Thu ngân sách hàng năm đều tăng, từ 140 tỷ đồng/năm (năm 1992) tăng lên 8.610 tỷ đồng/năm (năm 2016). Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu như: thủy lợi, giao thông, trường, trạm, điện, nước sạch, cảng biển... được tập trung đầu tư; nhờ đó bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng thay da đổi thịt rõ rệt. Là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả 2 nghị quyết: Nghị quyết về phát triển toàn diện dân sinh - kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Nghị quyết về đào tạo đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Với những chính sách thiết thực trên đã làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển mình mạnh mẽ. Hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản đầu tư hoàn chỉnh. Kinh tế phát triển khá, đã chấm dứt được tình trạng du canh du cư; sự nghiệp giáo dục, y tế được quan tâm đẩy mạnh; đời sống bà con ngày càng ổn định, số hộ  nghèo giảm từ 32,05% (năm 2005) xuống còn 12,9% (năm 2015). Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng khá căn bản, số lượng, chất lượng nâng lên. Đến nay, 100% cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số là người dân tộc thiểu số, hoạt động ngày càng mang lại hiệu quả cao hơn so với trước đây.

Như Nguyễn. Ảnh: Đ.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi: 
Cần khai thác tốt hơn lợi thế, tiềm năng thị xã
BTO-Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, vào sáng nay, 24/4. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí đại diện Vụ Địa phương II, Văn phòng TW Đảng; Cơ quan thường trực phía Nam, Ban Tuyên giáo TW Đảng; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
42 năm - một chặng đường phát triển vượt bậc