Theo dõi trên

Thủ tục hành chính thuế, hải quan vẫn gây khó doanh nghiệp

27/11/2017, 16:25 - Lượt đọc: 2

Nhiều doanh nghiệp phản ánh còn gặp các thủ tục thuế và hải quan phiền hà, gây khó khăn và làm tốn kém chi phí sản xuất kinh doanh.

Hơn 400 doanh nghiệp, hiệp hội tham gia Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2017, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (27/11), tại Hà Nội.

Doanh nghiệp vẫn bị... hành

                
      
      Đối thoại về chính    sách thuế, hải quan

Tại đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh còn gặp các quy định phiền hà, gây khó khăn và làm tốn kém chi phí sản xuất kinh doanh.

Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khảo sát của VCCI trên 22.000 doanh nghiệp cho thấy, một số quy định trong chính sách thuế thay đổi nhanh chóng khiến doanh nghiệp gặp khó. Thậm chí, nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung, văn bản ra lúc  nào doanh nghiệp cũng không biết.

“Quy định, hướng dẫn về các loại thuế còn dàn trải ở nhiều thông tư, nghị định của các năm khác nhau, khiến doanh nghiệp lúng túng trong việc áp dụng luật thuế”, ông Khương nói.

Cũng theo ông Khương, thủ tục dành cho các doanh nghiệp nợ thuế, phạt chậm nộp thuế còn rườm ra, phức tạp, làm khó doanh nghiệp. Chưa kể, mức phạt khoản tiền chậm nộp quá cao khiến doanh nghiệp gặp thêm khó khăn về kinh doanh.

Phó chủ tịch VCCI kiến nghị cơ quan thuế nên xem xét, đánh giá tình hình của doanh nghiệp để có thể miễn, giảm khoản mức phạt khoản tiền chậm nộp. Bên cạnh đó, hệ thống nộp báo cáo thuế qua mạng giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp không đồng bộ dẫn đến doanh nghiệp gửi báo cáo qua mạng thành công nhưng cơ quan thuế báo lỗi không nhận được.

Về quá trình thanh kiểm tra, ông Khương cho hay, các doanh nghiệp mong muốn khâu thanh tra, kiểm tra nên nhanh chóng, gọn nhẹ và đúng mục đích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hơn. Bởi trong một số trường hợp, thanh kiểm tra thuế quá chậm. “Sau 5 năm, thậm chí 10 năm mới kiểm tra thì tính phí nộp chậm/ngày của chi phí không hợp lý, khiến doanh nghiệp bị truy thu cả tiền lãi chậm nộp lên hơn 100 triệu chẳng hạn, thì doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản”, ông Khương lo ngại.

Trong khi đó, về lĩnh vực hải quan, đại diện VCCI cho biết, doanh nghiệp phản ánh, công văn trả lời cho các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp còn chung chung, chủ yếu đưa ra các thông tư, nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và các hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Quá trình giải quyết thủ tục hành chính cán bộ hải quan còn yêu cầu một số văn bản, giấy tờ ngoài quy định. Thời gian giải quyết thủ tục hải quan đôi khi kéo dài hơn trên thực tế.

"Thực tế doanh nghiệp vẫn e sợ  thủ tục hải quan do công chức cán bộ Hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó mà làm chậm hồ sơ của mình hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt của doanh nghiệp để làm khó, nên doanh nghiệp phải bồi dưỡng cho công chức cán bộ Hải quan. Chi phí ngoài quy định quá nhiều vì còn quá nhiều khâu doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với phía hải quan”, ông Khương nói.

Về vấn đề kiểm tra chuyên ngành hiện là một trong những rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp, vẫn còn quá nhiều văn bản, thông tư, nghị định chồng chéo của các cơ quan chuyên ngành làm doanh nghiệp dễ bị nhiễu loạn và rối loạn thông tin.

Biểu mẫu không nên thay đổi quá nhiều nếu không thực sự cần thiết

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, VCCI kiến nghị, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản luật và dưới luật theo hướng tiếp cận thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và thể chế bằng văn bản. Các biểu mẫu cũng không nên thay đổi quá nhiều nếu không thực sự cần thiết phải thay đổi thì giữ ổn định trong thời gian nhất định.

Cần có cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận một số thông tin liên quan đến giá trị hàng hóa, đặc biệt liên quan đến quá trình chuyển giá, tránh để các doanh nghiệp trong nước thiệt thòi khi có hợp tác trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần nâng cao tỷ trọng áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình tiếp cận và giải quyết các thủ tục hành chính.

“Tiếp tục rà soát, tiếp cận các phản hồi của doanh nghiệp và người dân đối với những cán bộ còn có thái độ và biểu hiện vòi vĩnh, chung chi với doanh nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh của cán bộ thuế, hải quan văn minh, hiện đại và đồng hành cùng doanh nghiệp trong sự nghiệp sản xuất, kinh doanh của họ.”, đại diện VCCI nêu ý kiến.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, năm 2017, ngay sau Chính phủ ban hành Nghị quyết 19, Bộ Tài chính thực hiện nhiều giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

                
      
      Thứ trưởng Bộ Tài    chính Vũ Thị Mai phát biểu tại Hội nghị

Theo đó ngành thuế rà soát hơn 300 thủ tục hành chính; Phối hợp 46 ngân hàng kết nối thuế điện tử và có 96% doanh nghiệp tham gia; thực hiện kê khai thuế điện tử với hơn 622.000 doanh nghiệp; hoàn thuế điện tử với với hơn 2000 doanh nghiệp với số thuế hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Về hải quan, triển khai hai quan điện tử, đến nay có trên 8,6 triệu tờ khai xử lý trên hệ thống; triển khai cổng thanh toán điện tử; kết nối với 40 hãng hàng không để nắm thông tin hàng hóa nhập khẩu…Ngoài ra, Bộ Tài chính bãi bỏ 2 khoản phí, điều chỉnh giảm thu từ 5%-57% đối với 23 loại phí…

“Những cải cách chính sách thuế, hải quan đã góp phần giúp môi trường kinh doanh Việt Nam tăng thêm 14 bậc”- Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng khẳng định, thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thuế hải quan, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp.

“Trước mắt hướng tới đạt mục tiêu môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN 4, rút thời gian thông quan còn 70 giờ, hàng hóa nhập khẩu còn 90 giờ; hoàn thuế điện tử đạt tối thiểu 70% về số thủ tục và 70% về số hồ sơ hoàn thuế GTGT điện tử giải quyết trong quý IV/2017. Đồng thời tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định./.

CTV Trần Linh/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tục hành chính thuế, hải quan vẫn gây khó doanh nghiệp