Theo dõi trên

“Thu giá BOT”: Bộ GTVT tiếp thu, sẽ sử dụng tên gọi phù hợp

27/05/2018, 11:18 - Lượt đọc: 98

Việc của Bộ GTVT hiện nay không cần phải sửa câu chữ, “thu phí” hay “thu giá”, mà nên bắt đầu từ việc chấn chỉnh các dự án BOT...

Trước việc dư luận lên án Bộ GTVT về việc dùng từ “trạm thu giá BOT” thay cho “trạm thu phí BOT” với mục đích đánh tráo khái niệm, thậm chí, nhiều nhà ngôn ngữ còn cho rằng “thu giá” là cụm từ không có trong từ điển Tiếng Việt nên từ này vô nghĩa.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của người dân và sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để sử dụng tên gọi cho phù hợp.

                
      
      Từ trạm thu phí....

Trình văn bản sửa “cách dùng từ”

Theo đó, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết Bộ vừa có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về việc chuyển đổi cơ chế quản lý dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh từ cơ chế quản lý phí sang cơ chế quản lý giá.

Văn bản nêu rõ, việc chuyển đổi cơ chế quản lý phí sang giá có lộ trình cụ thể và được thực hiện theo Luật phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua.

                
      
      Đến các trạm thu    giá...

Trước thời điểm 1/1/2017, dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được quản lý theo cơ chế phí ban hành theo Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 và Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Giai đoạn từ 1/1/2017 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017.

                
      
      Trạm thu giá Bến Lức.

Trong đó, theo danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá ban hành kèm theo Phụ lục 02 của Luật phí và lệ phí của Quốc hội có 17 loại phí được chuyển thành giá sản phẩm, dịch vụ trong đó “Phí sử dụng đường bộ” được chuyển đổi thành “Giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh".

Như vậy, kể từ 1/1/2017 dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được thực hiện quản lý theo cơ chế giá là phù hợp với Luật phí và lệ phí, Luật Giá và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Triển khai Luật Phí và lệ phí, Luật Giá, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý và Thông tư 49/2016/TT-BGTVT ngày 30/12/2016 quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

                
      
      Trạm thu giá Đức Hòa.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng lý giải, tại các Thông tư này đã quy định rõ, đầy đủ “Trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông”.

Tuy nhiên, có một số trường hợp các nhà đầu tư đã sử dụng tên gọi tắt là “Trạm thu giá” tạo ra những ý kiến trong dư luận vừa qua.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định: “Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến của người dân, các cơ quan báo chí và sẽ yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để sử dụng tên gọi cho phù hợp”.

Tên gọi đầy đủ vẫn không ổn

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tên đầy đủ “Trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ” vẫn không ổn.

                
      
      Theo TS Nguyễn Sĩ    Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tên đầy đủ “Trạm thu    giá sử dụng dịch vụ đường bộ” vẫn không ổn.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng phân tích, “trong tiếng Việt, số tiền bạn phải trả cho một dịch vụ bất kỳ được gọi là phí, không ai gọi là giá cả. Bạn sử dụng dịch vụ đường bộ, thì bạn phải trả phí cho dịch vụ này. Mức phí có thể thấp hoặc cao phụ thuộc vào việc giá được ấn định như thế nào”.

Giá được ấn định như thế nào lại phụ thuộc vào văn bản pháp luật có liên quan. “Gọi là “thu phí” thì chắc chắn phải áp dụng Luật phí và lệ phí để xác định giá. Gọi là “thu giá” có tránh được điều này hay không thì chúng ta còn phải chờ xem”, TS Nguyễn Sĩ Dũng phân tích.

Trong khi đó, có nhiều ý kiến không đồng tình với cách nói của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, sáng 22/5 khi cho rằng, BOT là sản phẩm của "nhiệm kỳ trước".

                
      
      Bộ trưởng Bộ Giao    thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời báo chí bên hành lang phiên họp    Quốc hội chiều 22/5. Ảnh AT.

“Thời gian qua trạm thu giá BOT rất nóng, chưa lúc nào nóng như 2017, nhưng đây là sản phẩm của giai đoạn trước, nhiệm kỳ trước”, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu.

Nhiều người cho đó là hành động thoái thác trách nhiệm, vì trước khi từ Sóc Trăng ra làm Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thể đã có nhiều năm làm Thứ trưởng Bộ GTVT, bản thân ông đã ký nhiều dự án BOT, trong đó, tai tiếng nhất là dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) mà đến bây giờ khi bị người dân phản đối, bộ này và các cơ quan vẫn chưa có phương án xử lý rứt điểm.

Vấn đề của BOT không chỉ là tên gọi các “trạm thu phí” hay”trạm thu giá”, mà chủ yếu là những khuất tất của nó. Trong đó bao gồm việc Bộ GTVT cho các chủ đầu tư đặt trạm thu tiền trên những con đường không phải BOT và giá thành đầu tư các BOT cao một cách bất thường; làm đường nọ thu tiền đường kia; sửa chữa đường cũ một chút rồi cho thu phí như đường BOT làm mới; cho thu phí cả đường cũ lẫn đường BOT mới để ép người dân phải đi đường BOT...

                
      
      Việc của Bộ GTVT và    của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hiện nay không cần phải sửa câu chữ,    “thu phí” hay “thu giá”, mà nên bắt đầu từ việc chấn chỉnh các dự án    BOT.

Do đó, việc của Bộ GTVT và của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hiện nay không cần phải sửa câu chữ, “thu phí” hay “thu giá”, mà nên bắt đầu từ việc chấn chỉnh các dự án BOT, trong đó có những dự án do ông Nguyễn Văn Thể ký khi là thứ trưởng.

Việc cần làm ngay là đưa các trạm thu phí về đặt đúng chỗ (điển hình là trạm Cai Lậy). Sau đó, thuê kiểm toán tin cậy đánh giá mức đầu tư thực tế của các dự án BOT. Khi đã có con số  đầu tư thực được các quy định hiện hành chấp nhận ở các dự án BOT sẽ cho áp dụng "Luật Giá" để tính ra "mức phí" mà người dân phải đóng.

Đó là cách làm minh bạch và sòng phẳng nhất.

Phi Long/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Thu giá BOT”: Bộ GTVT tiếp thu, sẽ sử dụng tên gọi phù hợp