Ngư dân gặp khó vì tàu cá không
Ngư dân gặp khó vì tàu cá không có giấy đảm bảo an
toàn vệ sinh thực phẩm
Tỉnh Khánh Hòa
đang siết chặt các quy định, buộc các chủ tàu phải có giấy chứng nhận đủ điều
kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định mới cho ra khơi và mới được bán cá
xuất khẩu.
Theo quy định của
Luật Thủy sản, các tàu trên 15m, đánh bắt xa bờ phải có giấy chứng nhận đủ điều
kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Thế nhưng, đến nay, nhiều tàu cá của ngư dân
tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa có giấy chứng nhận này. Hải sản đánh bắt được gặp trở
ngại trong tiêu thụ, chế biến xuất khẩu. Tỉnh Khánh Hòa đang siết chặt các quy
định, buộc các chủ tàu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực
phẩm theo quy định mới cho ra khơi.
Hơn 1 tháng nay, các
chủ tàu cá tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đứng ngồi
không yên vì cá đã bán nhưng doanh nghiệp thu mua chưa chịu trả tiền. Các doanh
nghiệp này yêu cầu chủ tàu phải xuất trình giấy biên nhận bốc xếp của cảng cá
thì mới trả tiền. Trong khi đó, cảng cá không cấp giấy biên nhận cho chủ tàu vì
chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cái vòng luẩn
quẩn này khiến không ít chủ tàu cá khốn đốn.

Nhiều tàu cá của ngư dân tỉnh Khánh Hòa chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an
toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Trần Khắc Thạch,
chủ tàu KH 99766 cho biết, chuyến biển cuối tháng 10 vừa qua, tàu câu cá ngừ đại
dương đạt sản lượng khá, trừ phí tổn còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng,
doanh nghiệp thu mua chưa trả tiền vì không có biên nhận bốc xếp nên không đủ cơ
sở pháp lý để tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Ông Trần Khắc Thạch
lo lắng: "Vào 1 tháng nay mà chưa giải quyết cho tôi, không có giấy đó thì bên
Công ty cứ gọi suốt. Trước kia, người ta có, còn tôi chưa có vẫn ra khơi được,
giờ thì phải đậu ở bờ. Cá tôi đánh bắt từ biển về giờ không có nguồn gốc xuất
xứ".
Không riêng ông
Thạch, nhiều tàu cá khác cũng lâm cảnh tương tự, không được doanh nghiệp chi trả
tiền mua cá. Sau chuyến biển dài ngày, gặp khó khăn vì sóng to, gió lớn nhưng
đến nay nhiều ngư dân vẫn chưa được chia tiền bán cá, cuộc sống gặp khó khăn.
Ông Huỳnh Văn Quý,
Chủ tàu KH 93825 cho biết: "Bây giờ, anh em bạn đi cùng hỏi tiền mình để xoay sở
gia đình, trong khi phải đòi hỏi tờ giấy bốc xếp, không cấp cho ngư dân thì lấy
đâu ra tiền để công ty họ chi cho mình, mình chi cho anh em. Đi làm trông mong
một chuyến biển về để kiếm đồng ra đồng vào mà rốt cuộc, vợ con ở nhà cũng không
có tiền chi tiêu"
Ông Nguyễn Trung
Hiếu, Trưởng Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang cho biết, trong Luật Thủy
sản có hiệu lực từ đầu năm 2019 quy định, bắt buộc tàu cá dài trên 15m ra khơi
phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên,
trong Thông tư hướng dẫn trước đây cũng như điều kiện tàu rời cảng không đề cập
nên ngư dân chưa quan tâm đúng mức. Thời điểm này khi Thông tư mới có hiệu lực
từ ngày 25/12, quy định phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông
Nguyễn Trung Hiếu cam kết, trước mắt, Ban Quản lý Cảng cá Hòn Rớ sẽ tạo điều
kiện hoàn thiện thủ tục cho ngư dân.
"Các doanh nghiệp sẽ
liên hệ với các chủ tàu nào vừa rồi vướng giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an
toàn thực phẩm của các tàu cá, sẽ xuống cảng làm cam kết. Các tàu cá này đã đi
biển rồi mà chưa có giấy, sẽ tạo điều kiện. Trong thời gian đầu, giữa Luật và
Thông tư hướng dẫn cũng chưa được chặt chẽ, biểu mẫu kiểm tra tàu cá rồi cá,
không có nội dung giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm", ông Hiếu cho
hay.
Toàn tỉnh Khánh Hòa
hiện mới chỉ có 360/748 tàu cá dài trên 15m, có giấy chứng nhận nhận đủ điều
kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, đây là giấy chứng nhận cần thiết
để hải sản Việt Nam được xuất khẩu. Tỉnh Khánh Hòa đang đẩy mạnh việc tuyên
truyền, vận động ngư dân thực hiện nghiêm các quy định. Đến hết năm 2020, nếu
các tàu không có giấy chứng nhận này sẽ không được xuất bến. Bên cạnh đó, các
ngành chức năng cũng sẽ tạo điều kiện tập huấn, hướng dẫn để cấp giấy chứng nhận
cho các tàu cá.
Ông Võ Khắc Én, Phó
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Cảng cũng sẽ kiểm tra
nếu không có giấy chứng nhận thì không được thực hiện chuyến ra biển. Nếu đi
biển vào bờ, lượng cá không có giấy an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng không thể
nào bán cá đi xuất khẩu được. Đây là quyền lợi thiết thực của bà con nhân dân".
Thái Bình/VOV