Khi
Khi “vệ tinh” cất cánh cho du lịch
Bài 1: Trong tâm thế phấn khởi
Bài 2: Để Mũi Né gần hơn với du khách
BT- Phát triển du lịch không chỉ riêng của ngành văn hóa, thể thao và du lịch mà
cần sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị liên quan, từ việc đầu tư hạ tầng như
đường, điện, cấp thoát nước, đảm bảo môi trường, an ninh trật tự... Vậy ngành du
lịch cần những “vệ tinh” nào để tạo sức bật cho Khu du lịch quốc gia (KDLQG)
Mũi Né?
Đồng bộ trong phát
triển du lịch
Một động thái tích cực của ngành
chức năng trong mục tiêu chung phát triển du lịch đã thể hiện rất rõ. Đó là thời
gian qua, TP. Phan Thiết đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thực hiện
nâng cấp một số tuyến đường phục vụ KDLQG Mũi Né như mở rộng đường từ Đá Ông Địa
đến KDL Hoàng Ngọc và xây dựng các tuyến đường xuống biển… phần nào đáp ứng mong
mỏi của doanh nghiệp du lịch, du khách.

Bàu Trắng (Bắc Bình). Ảnh: Ngọc Lân
TP. Phan Thiết hiện đang phối hợp
thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay
Phan Thiết theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Quốc phòng cũng như các tuyến đường
cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; đường trục ven biển ĐT.719B; đường ĐT.716 (đoạn
từ KDL Hoàng Ngọc đến Mũi Né); lập dự án chỉnh trang, mở rộng các tuyến đường
nội thành lưu thông dẫn đến KDLQG Mũi Né (bao gồm cả nghiên cứu cải tạo vỉa hè,
cây xanh và hệ thống chiếu sáng, hệ thống thoát nước); triển khai xây dựng các
trạm thu gom và xử lý nước thải tập trung phường Hàm Tiến, Mũi Né và khu vực Hòn
Rơm…
Ảnh: Ngọc Lân
Góp phần phát triển KDLQG Mũi Né và
thu hút du khách, TP. Phan Thiết thông tin, sẽ cùng các ngành chức năng thực
hiện nghiên cứu, phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương theo chương
trình “Mỗi phường (xã) một sản phẩm” theo hướng nông nghiệp công nghệ cao phục
vụ du lịch. Đồng thời, chú trọng đến việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử
- văn hóa; nhất là hỗ trợ phát triển du lịch tại làng chài Mũi Né, làng nghề chế
biến hải sản Mũi Né, chế biến nước mắm Phú Hài... nhằm phục vụ du khách đến tham
quan, trải nghiệm gắn với triển khai thực hiện đề án Quản lý, đầu tư, khai thác
các tuyến, điểm tham quan du lịch tại TP. Phan Thiết (City tour) giai đoạn 2021
- 2025. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng các lễ hội văn hóa, thể thao đặc trưng,
các hoạt động vui chơi, giải trí để phục vụ nhân dân và du khách như: Lễ hội
Trung thu, Nghinh ông, Cầu ngư, Đua thuyền trên sông Cà Ty, Chạy vượt đồi cát
Mũi Né...
Tạo nét hấp dẫn
mới
Thực tế hiện nay du khách đến với
Mũi Né, kể cả nhân dân địa phương ngoài nghỉ dưỡng, tham quan những thắng cảnh
hiện có thì họ mong muốn được trải nghiệm những sản phẩm du lịch tại Phan Thiết
như chợ đêm, phố đi bộ, mua sắm… Liên tưởng lại những ngày xuân của năm 2021,
Đường hoa tại Phan Thiết thật sự tạo ấn tượng, sự phấn khích trong lòng mỗi
người, khi họ có một không gian để cùng gia đình, bạn bè lưu lại khoảnh khắc
đẹp. Và qua đó, nhiều du khách, người dân đã ước ao và hình dung rồi nay mai
Phan Thiết sẽ có chợ đêm và phố đi bộ…
Mong muốn này được ông Phan Nguyễn
Hoàng Tân - Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết chia sẻ: “Phan Thiết trước đây đã từng
có chợ đêm hoạt động một thời gian ngắn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh doanh
không thuận lợi, các mặt hàng kinh doanh chưa thu hút được nhân dân và du khách
nên không còn hoạt động. Trong tương lai, chắc chắn TP. Phan Thiết sẽ có phố ẩm
thực về đêm, hiện UBND thành phố đang phối hợp với các ngành chức năng khảo sát
vị trí và thực hiện các công việc có liên quan để xây dựng đề án thực hiện Phố
ẩm thực trên tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu (từ Đá Ông Địa đến KDL Hoàng Ngọc).
Mặt khác, thông qua Đường hoa nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, cho thấy
lượng du khách và nhân dân đến trải nghiệm khá đông. Do đó, thành phố đang tính
toán, chọn tuyến đường phù hợp trong nội thành để làm phố đi bộ”.

Đường hoa Phan Thiết
trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua
Với những động thái tích cực từ địa
phương như vậy, hy vọng thời gian tới, du khách đến với Mũi Né - Phan Thiết
ngoài việc nghỉ dưỡng và tham quan các di tích, thắng cảnh… sẽ được thưởng thức
những món ăn truyền thống, hải đặc sản vùng biển ở phố ẩm thực về đêm, và dạo
phố đi bộ… Tất cả được ví như những “vệ tinh” cất cánh cho du lịch nhằm tương
xứng với tên gọi của KDLQG Mũi Né.
Ấn tượng điểm đến
an toàn
Để giới thiệu hình ảnh điểm đến, thu
hút nhà đầu tư và du khách, góp phần tuyên truyền, quảng bá thương hiệu điểm đến
an toàn, ông Võ Xuân Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình
Thuận cho biết, trung tâm đã thường xuyên phối hợp với Hiệp hội Du lịch tham gia
các sự kiện trong và ngoài nước để quảng bá du lịch Bình Thuận, chú trọng quảng
bá thị trường Nga, châu Âu, Đông Bắc Á. Đối với nội địa tập trung 3 thị trường
trọng điểm là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ… đã góp phần tạo động lực và
kích thích nhu cầu tham quan du lịch Mũi Né - Bình Thuận của du khách trong và
ngoài nước.
Ảnh: Ngọc Lân
Được biết, công tác quảng bá, xúc
tiến du lịch sẽ được đầu tư mạnh để làm thương hiệu chung cho điểm đến. Đó là tổ
chức các sự kiện văn hóa, thể thao tại địa phương, thi sáng tác, tìm hiểu điểm
đến, tìm kiếm đại sứ thương hiệu du lịch Bình Thuận… Điều này thể hiện, những
ngày đầu năm 2021, trung tâm đã chủ động mời đoàn báo chí Trung ương, địa phương
cùng khảo sát, giới thiệu hàng loạt điểm đến mới của du lịch ở Hàm Thuận Nam,
Phú Quý, Tuy Phong, Bắc Bình đến với du khách toàn quốc. Qua sự kiện đã thu hút
một lượng khách đến với du lịch Mũi Né - Bình Thuận. Tất cả các hoạt động truyền
thông, tiếp thị, tạo các sản phẩm đặc trưng… cho du lịch Bình Thuận hướng đến
mục tiêu tạo một thiên đường nghỉ dưỡng với vô số những trải nghiệm kỳ thú, hình
ảnh điểm đến Mũi Né - Bình Thuận thật đẹp trong lòng du khách, góp phần khẳng
định tầm vóc của KDLQG Mũi Né.
Hồng Châu