Theo dõi trên

Người đưa võ cổ truyền vào trường học

18/09/2017, 09:18

Ước mơ đẹp

BT- Tháng 8/2017, thầy Nguyễn Thanh Bình, giáo viên môn thể  dục Trường THCS Trần Phú – Phan Thiết là một trong 5 giáo viên được Sở Giáo dục - Đào tạo cử đi tham dự lớp tập huấn Võ thuật cổ truyền tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nhằm chuẩn bị đưa môn võ cổ truyền vào dạy thí điểm ở một số trường phổ thông từ năm học 2017 – 2018, của Sở Giáo dục - Đào tạo. Tại đây, Thầy Bình đã được các giảng viên tập huấn phương pháp huấn luyện môn võ cổ truyền và hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển phong trào tập luyện võ cổ truyền cho thanh thiếu nhi, học sinh trong các trường phổ thông; tập huấn 3 bài võ cổ truyền “Căn bản công pháp”. Trong quá trình học, ngoài việc tiếp thu kiến thức, thầy Bình đã hỏi đồng nghiệp ở tỉnh bạn về phong trào dạy môn võ cổ truyền. Và được biết, tại TP. Hồ Chí Minh, một số trường tiểu học đã thực hiện việc dạy thí điểm môn võ cổ truyền.

                
Thầy Bình và đồng môn dạy võ tại Trường    tiểu học Hưng Long 1.

Sau khi kết thúc khóa tập huấn tại TP. Hồ Chí Minh, thầy Nguyễn Thanh Bình đã nghĩ về việc đưa được môn võ cổ truyền vào các trường học. Sau nhiều lần suy nghĩ, thầy Bình đã tìm ra được con đường để đưa võ thuật cổ truyền đến với các em học sinh. “Việc đưa võ cổ truyền vào trường học là rất cần thiết. Võ thuật không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn trang bị các kỹ năng phòng vệ và rèn luyện tính cách con người. Tuy nhiên, nếu mình dạy lấy tiền thì sẽ rất khó vì nhà trường không có kinh phí. Vì vậy tôi quyết định xin các trường cho mình dạy thí điểm vào 15 phút đầu giờ và không lấy tiền”, thầy Bình chia sẻ. Nghĩ ra được cách để đưa võ cổ truyền vào trường học, nhưng vấn đề nhân lực khiến thầy Bình lo lắng. Mang tâm tư của mình trình bày với người bố là võ sư Nguyễn Hoàng Phước, Chưởng môn phái Võ Đường Lam Sơn đời thứ 2, thì được ông đồng ý ngay. Ngoài việc đích thân xuống trường dạy, võ sư Nguyễn Hoàng Phước còn mời một số đệ tử của mình cùng tham gia.  

Và lan tỏa

Ngày 6/9, buổi dạy võ đầu tiên của thầy Bình diễn ra ở Trường tiểu học Hưng Long 1. “Hôm đầu tiên tôi rất lo. Một phần vì các em chưa quen, một phần vì đây là lần đầu tiên tôi triển khai nên còn bỡ ngỡ. Rất may, buổi học đầu tiên diễn ra tốt đẹp. Ban giám hiệu nhà trường thấy đây là hoạt động ý nghĩa nên đề nghị tôi tăng lên 2 buổi/tuần”, thầy Bình chia sẻ. Sau thành công ở Trường tiểu học Hưng Long 1, thầy Bình mạnh dạn đến xin Ban giám hiệu Trường tiểu học Tuyên Quang, Trường tiểu học Đức Nghĩa dạy thí điểm môn võ cổ truyền. Sau 2 tuần, thầy Bình đã triển khai dạy võ thuật cổ truyền ở 3 trường tiểu học: Hưng Long 2, Tuyên Quang và Đức Nghĩa cho khối lớp 3, 4, 5 với khoảng gần 1.000 học sinh. “Khó khăn lớn nhất đối với tôi hiện nay là huấn luyện viên đứng lớp. Hiện tại có 8 người trực tiếp đứng lớp nhưng nếu số trường dạy tăng lên thì sẽ không đủ người dạy. Nếu có thể thì tôi sẽ đề nghị trường bố trí cho tôi dạy lại các giáo viên thể dục 3 bài võ cổ truyền “Căn bản  công pháp” được tập huấn tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là những bài quyền cơ bản nên không mất nhiều thời gian để giáo viên làm quen. Sắp tới, tôi và bố sẽ họp 18 chi nhánh của Võ đường Lam Sơn ở TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc để bàn về việc dạy miễn phí môn võ cổ truyền tại một số trường học. Tôi hy vọng sẽ có nhiều học sinh được tiếp cận với môn võ cổ truyền của dân tộc hơn nữa” - thầy Bình nói về dự định sắp tới của mình.

Với thầy Bình, môn võ thuật cổ truyền đã là một phần cuộc sống. Lúc lên 5 tuổi, thầy Bình đã được võ sư Nguyễn Hoàng Phước, tập những đường quyền đầu tiên. Năm 2001, thầy Bình tham gia thi đấu cho đội tuyển võ thuật Bình Thuận tại Giải trẻ Võ thuật cổ truyền toàn quốc và đạt huy chương đồng. Năm 2004, tại Tây Ninh, thầy Bình đạt giải huy chương bạc đầu tiên. Năm 2006 tại Bình Định, thầy Bình đã đạt 1 huy chương bạc và một huy chương đồng tại Giải Vô địch Võ thuật cổ truyền toàn quốc. Năm 2012, thầy Bình đã đăng ký thi lấy chứng nhận võ sư. Với bản chất “con nhà nòi”, thầy Bình đã vượt qua kỳ thi này và trở thành một trong những võ sư trẻ nhất tỉnh Bình Thuận.

Đam mê võ thuật, thầy Nguyễn Thanh Bình đã và đang làm những việc làm thiết thực không chỉ đưa võ cổ truyền đến với học sinh mà còn giúp các em hoàn thiện nhân cách sống, giáo dục nhân cách, đạo đức và văn hóa truyền thống cho học sinh.

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người đưa võ cổ truyền vào trường học