Theo dõi trên

“Mong ngày sân cỏ Bình Thuận lại đông nghịt người”

28/03/2016, 13:35

BT- Thể thao Bình Thuận  đã có một thời lừng lẫy tiếng tăm, với những con người, những giải thưởng. Nhắc  đến thời vàng son ấy, ngoài  việc  ôn cố tri tân, còn là cách tìm lối đưa thể thao Bình Thuận vượt lên so với hiện nay.

Giai đoạn 1962 – 1968, bóng đá Bình Thuận liên tiếp giành chức vô địch khu vực miền Trung và  cao nguyên. Nhất là năm 1971, sau khi hòa đội bóng Định Tường (1-1) đội bóng Bình Thuận bốc thăm giành chiến thắng trên SVĐ Cộng hòa (nay là Thống Nhất) tại giải Vô địch toàn miền Nam.  Bóng đá học đường cũng rất phát triển khi Trường trung học Phan Bội Châu từng vô địch bóng đá toàn miền Trung.

 Quần vợt và bóng rổ cũng là hai môn phát triển mạnh thời kỳ này. Nổi tiếng là gia đình của ông Năm Phùng (Đinh Văn Phùng) cùng với những người con  là Đinh Quốc Hùng - vô địch quần vợt sinh viên miền Nam 1963 – 1966. Quần vợt Bình Thuận cũng từng vô địch tuyệt đối ở các nội dung đơn, đôi và đồng đội tại Đại hội quần vợt miền Trung – Tây nguyên năm 1969, rồi Đinh Quốc Tuấn vô địch quốc gia năm 1972.

Sau năm 1975, thể thao Thuận Hải (Bình Thuận, Ninh Thuận) nói riêng và Việt Nam nói chung có những sự thay đổi trong cách thức tổ chức, nguồn tài chính, việc thi đấu quốc tế cũng có phần hạn chế do những yếu tố khách quan và chủ quan của lịch sử để lại. “Nhưng để thực sự phát triển thì phải đến những năm 2000 khi tỉnh Bình Thuận chính thức có Đề án đào tạo vận động viên cơ sở và đến năm 2010 là Đề án 898” nguyên Phó giám đốc Sở VHTT &DL Đỗ Văn Ba, khẳng định.

Lúc này, Bình Thuận mới thực sự chủ động về thể thao thành tích cao với các lớp dự nguồn của các huyện, thị, thành cộng với cơ sở vật chất bước đầu của Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT (hoạt động vào năm 1999) và Trung tâm TDTT tỉnh.  Ngành thể thao quyết định đầu tư  một cách căn cơ các môn võ thuật như: Teakwondo, Karatedo, Judo và gần đây là Vovinam và Võ cổ truyền.

Tuy thể thao Bình Thuận đã có những bước tiến vượt bậc trên khía cạnh thành tích cao. Nhưng suy cho cùng, mục tiêu chính của thể thao vẫn là đem lại món ăn tinh thần, góp phần nâng cao thể chất và sức khỏe cho nhân dân. Và như lịch sử ghi lại, người Bình Thuận – Thuận Hải vẫn rất đam mê bóng đá, quần vợt, bóng rổ và xe đạp từ những năm 50, 60, 70 của thế kỷ trước. Nhưng hiện nay, chỉ có bóng rổ vẫn trụ lại được top đầu quốc gia trong khi quần vợt thì chỉ làm các giải phong trào cũng như giải đua xe đạp tại Hàm Thuận Nam và Phan Thiết.

Nhưng đáng tiếc nhất là môn bóng đá khi Bình Thuận vẫn loay hoay với mục tiêu trụ hạng nhì trong hơn 20 năm qua, mặc dù tỉnh nhà đã từng có những cầu thủ nổi tiếng toàn miền Nam trước giải phóng. Dẫu biết bóng đá nói riêng hay những môn thể thao chuyên nghiệp như: quần vợt, xe đạp… rất cần nguồn tài chính để đầu tư phát triển nhưng với tư cách là người hâm mộ thể thao, chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng khi “mỗi chiều thứ 7, chủ nhật không biết đi xem môn thể thao gì ngoài bóng đá quốc tế”. Đây vẫn là điều đáng tiếc với hầu hết những người yêu thể thao tại Bình Thuận này.

“Chỉ mong sao có một ngày  sân cỏ Bình Thuận lại đông nghịt người như ngày xưa!” - một người dân yêu thể thao có nhà cạnh sân vận động Phan Thiết, tâm sự.

ĐÌNH HẬU



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Bình Thuận và tiềm năng khai thác carbon rừng
Bình Thuận với diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn, việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ carbon sẽ mang lại nguồn kinh phí quan trọng cho tỉnh, để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây cũng là một bước ngoặt, làm tiền đề cho việc khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên carbon.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Mong ngày sân cỏ Bình Thuận lại đông nghịt người”