Cần kinh phí đầu tư cho thể dục thể thao

BT- Trong phong trào thể dục thể thao (TDTT), Đức Linh là huyện có nhiều đóng góp cho sự nghiệp TDTT của tỉnh. Một địa phương có bề dày về phát triển TDTT, nhưng để phát triển mạnh mẽ hơn, cần có sự quan tâm về kinh phí…

Anh Phạm Ngọc Quang – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Truyền thông - văn hóa, thể thao Đức Linh cho biết: “Nói về phong trào TDTT, huyện có nhiều bộ môn nổi bật như bóng chuyền, bóng đá… Dù là vùng nông thôn, nhưng giới trẻ ở huyện đam mê với bộ môn bóng chuyền. Hàng năm bóng chuyền nam được huyện đưa vào giải đấu chính thức và ít nhất 10 đội ở trên địa bàn tham dự giải. Cũng từ đó, chúng tôi thành lập đội bóng chuyền của huyện để tham gia các giải đấu của tỉnh. Đội bóng chuyền của Đức Linh đã vô địch cấp tỉnh 3 năm liền. Riêng bóng chuyền bãi biển, cái tên Đức Linh cũng từng vô địch nhiều năm liền”.

Không chỉ có bóng chuyền, bóng đá nhi đồng của Đức Linh cũng là gương mặt quen thuộc cho chiếc cúp vô địch của giải Cúp Truyền hình Bình Thuận. “Đức Linh còn có một thế mạnh khác, đó là võ thuật cổ truyền. Huyện có vinh dự là hàng năm đăng cai giải đấu này và luôn là đơn vị dẫn đầu từ 10 huy chương vàng trở lên” – anh Quang chia sẻ.

Về võ thuật cổ truyền, huyện đã thành lập Hội võ cổ truyền huyện Đức Linh với 8 điểm tập, Taekwondo cũng thành lập hội với 5 điểm tập. Một võ đường Vovinam, 2 điểm tập, mỗi điểm tập thu hút từ 30 – 70 võ sinh.

Dù là địa phương có thế mạnh về phong trào TDTT, nhưng hiện gặp không ít khó khăn. Muốn phát triển, nâng tầm phong trào lên tầm cao mới cũng rất khó khăn cho địa phương. “Ví dụ như giải bóng chuyền vô địch tỉnh Bình Thuận, dù nhiều năm liền vô địch, nhưng sau đó điều lệ ban tổ chức thay đổi cho phép tăng cường vận động viên bên ngoài vào thi đấu, Đức Linh không còn giữ vị thế, vì không có kinh phí chi trả cho vận động viên từ bên ngoài” – anh Quang chia sẻ.

Nhìn lại từ thực tế, nguồn kinh phí hoạt động cho TDTT của huyện trong 10 năm qua không thay đổi, trong khi đó thiết bị và dụng cụ tập TDTT luôn tăng lên theo giá thị trường. Do đó, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động TDTT tại địa phương, cũng như khó tạo nên được nguồn lực để tham gia các giải thi đấu của tỉnh hay khu vực. Một khó khăn khác khiến phong trào TDTT ở Đức Linh mấy năm nay bị chựng lại, đó là việc không có huấn luyện viên ở các môn như bóng đá, bóng bàn, bóng rổ… dù vẫn được huyện đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu. Bởi lâu nay, tỉnh chưa tổ chức thi tuyển viên chức cho ngành TDTT nên tại địa phương chỉ sử dụng biên chế khác để kiêm nhiệm làm công tác TDTT.

 Ông Huỳnh Ngọc Tâm – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cũng nhìn nhận: Đức Linh là địa phương có nhiều thế mạnh về TDTT như bóng chuyền, võ cổ truyền, vovinam, quyền anh, nhưng rõ ràng cũng như nhiều địa phương khác gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí hoạt động, để tập trung đầu tư và phát triển.

Để TDTT phát triển mạnh luôn cần sự quan tâm và đầu tư, không chỉ về trang thiết bị, dụng cụ mà điều quan trọng hơn là chế độ đãi ngộ cho vận động viên, để các em có thể yên tâm cống hiến cho sự phát triển chung của địa phương. Đây là vấn đề mà địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện để phong trào ngày càng phát triển hơn.

Q.Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức Linh: