Theo dõi trên

Mỹ siết chặt nhập cư: Người quá nghèo không thể trở thành công dân Mỹ

13/08/2019, 15:03 - Lượt đọc: 50

Quy định mới dự kiến có hiệu lực trong vòng 2 tháng tới được cho sẽ ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người đang có ý định xin nhập cư vào Mỹ.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (12/8) đã công bố quy định mới từ chối cấp thị thực và thẻ thường trú tại Mỹ (còn gọi là thẻ xanh) đối với hàng trăm nghìn người di cư và tị nạn nếu họ quá nghèo.

Quy định mới dự kiến có hiệu lực trong vòng 2 tháng tới được cho sẽ ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn người đang có ý định xin nhập cư vào Mỹ.

                
      
      Tổng thống Mỹ Trump    có chính sách cứng rắn trong vấn đề nhập cư. Ảnh: BBC.

Quy định mới do trợ lý hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, ông Stephen Miller đề xuất chính thức có hiệu lực vào ngày 15/10 sẽ khiến việc định danh những người được coi là “gánh nặng ngân sách” theo luật nhập cư của Mỹ trở nên khắt khe hơn, qua đó ngăn chặn người nhập cư có nhà ở cố định hợp pháp tại Mỹ.

Cụ thể, những người xin nhập cư, kể cả 900.000 người nhập cư hiện đang chờ cấp thẻ xanh ở Mỹ, nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn về thu nhập hoặc đăng ký thụ hưởng các chương trình bảo trợ xã hội như: chương trình bảo hiểm y tế Medicaid hay xin trợ giúp về nhà ở hoặc lương thực, thực phẩm sẽ đồng nghĩa với việc không có quyền xin nhập cư hoặc nếu đã nhập cư rồi thì bị từ chối cấp thẻ xanh.

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra hôm qua, Quyền Giám đốc Cơ quan Nhập tịch và Di trú Mỹ, Ken Cuccinelli cho biết, những thay đổi về quy định pháp luật này sẽ đảm bảo rằng những người nhập cư có thể tự đảm bảo cuộc sống. Thay vì phụ thuộc vào các nguồn lợi xã hội để đáp ứng nhu cầu của bản thân, họ có thể dựa vào khả năng của bản thân hoặc các nguồn hỗ trợ từ gia đình, các nhà tài trợ và các tổ chức cá nhân khác.

“Thông qua quy định mới, chúng tôi muốn tăng cường ý tưởng tự cung tự cấp và trách nhiệm cá nhân nhằm đảo bảo rằng những người di cư có thể tự hỗ trợ cho bản thân và thành công ở Mỹ. Quy định mới sẽ ngăn những người nước ngoài trở thành gánh nặng xã hội đến Mỹ, sống tại Mỹ và có được thẻ xanh.”

Ước tính có khoảng 22 triệu người đang sống hợp pháp ở Mỹ song không có thẻ công dân có thể sẽ chịu sự tác động của quy định mới này. Tuy nhiên, những người từng thụ hưởng các chương trình bảo trợ xã hội trước đây sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách mới. Ngoài ra, quy định mới cũng không áp dụng với những người tị nạn và tị nạn chính trị thông qua các chương trình nhân đạo. Cơ quan Nhập tịch và Di trú Mỹ cho biết, sẽ cân nhắc cẩn trọng “mọi tình huống” khi quyết định từ chối cấp thẻ xanh hoặc cấm nhập cư vào Mỹ và việc một người xin nhập cư phải dựa vào các chương trình bảo trợ xã hội của chính phủ mới chỉ là một yếu tố để xem xét.

Đây được xem là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm kiểm soát làn sóng người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp vào Mỹ - một vấn đề được ông xem là dấu ấn trong nhiệm kỳ làm Tổng thống của bản thân. Theo thống kê chính thức của chính phủ Mỹ, kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền, số vụ bị từ chối cấp thị thực vào Mỹ vì lý do người xin cấp có thể trở thành “gánh nặng ngân sách” đã tăng đáng kể, từ 164 trường hợp vào năm 2016 lên tới hơn 5.500 trường hợp trong tài khóa 2018.

Riêng tuần trước khoảng 680 người đã bị bắt giữ tại bang Mississippi vì không có giấy tờ hợp pháp.

Ngay khi được công bố, quy định mới đã vấp phải sự phản ứng của các nhóm hoạt động nhân quyền. Tờ Nhật báo Phố Wall và nhiều nhà hoạt động bảo vệ quyền của người nhập cư nhận định rằng, quy định mới này cho thấy chính sách kiểm soát nhập cư mạnh mẽ và đầy tham vọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, Trung tâm Luật Di cư Quốc gia Mỹ, tổ chức này sẽ đâm đơn kiện chính quyền của ông Trump nhằm đình chỉ quy định mới có hiệu lực. Bởi theo họ, quy định mới này đối xử không công bằng đối với những người nhập cư có thu nhập thấp.

Hồng Nhung/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ siết chặt nhập cư: Người quá nghèo không thể trở thành công dân Mỹ