Theo dõi trên

Đã đến lúc Hàn-Triều chính thức kết thúc chiến tranh?

24/02/2018, 10:21

Hiệp định đình chiến Hàn-Triều kéo dài suốt 65 năm qua nên được thay thế bằng một văn bản chính thức nhằm kết thúc chiến tranh.

Olympic PyeongChang chỉ là “khoảng lặng trước bão”?

Theo Sputnik, khoảng thời gian hạ nhiệt ngắn ngủi trên bán đảo Triều Tiên dường như sẽ chấm dứt cùng với việc Olympic PyeongChang tại Hàn Quốc bế mạc.

                
      
      Tổng thống Hàn    Quốc Moon Jae-in cùng phu nhân Kim Jung-sook (áo trắng) dự khán lễ    khai mạc Olympic PyeongChang cùng bà Kim Yo-jong (áo đen đứng sau)-    em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Điều này xuất phát từ việc giới chức Triều Tiên đã hủy cuộc họp kín với Phó Tổng Mỹ Mike Pence trong thời gian diễn ra Thế Vận hội trong khi phía Mỹ cũng được cho là sẽ nối lại các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc vốn đã bị trì hoãn.

Bà Christine Ahn- Đồng sáng lập Viện Chính sách Hàn Quốc- chịu trách nhiệm cố vấn cho các chính trị gia Mỹ về việc thúc đẩy nỗ lực ngoại giao nhằm cải thiện quan hệ liên Triều nhận định: “Tôi cảm thấy chúng ta đang ở trong một ngôi nhà cười với rất nhiều tuyên bố mâu thuẫn và khó hiểu chủ yếu xuất phát từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dù Nhà Trắng cáo buộc Triều Tiên đã hủy cuộc họp bí mật [với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence-ND] nhưng chính phía Mỹ cũng không ngần ngại đe dọa đáp trả cứng rắn với Triều Tiên trong vụ này. Lời đe dọa này được ông Pence đưa ra công khai trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Tôi cũng được nghe những thông tin hoàn toàn khác nhau về các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn sắp tới. Trong khi phía Hàn Quốc cho biết họ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên và đang cân nhắc dừng các cuộc tập trận quân sự thì phía Mỹ lại “rút súng” đe dọa sẽ nối lại các cuộc tập trận.

Chúng ta đang ở trong một giai đoạn hết sức nhạy cảm và giờ là lúc các phong trào ủng hộ hòa bình tại Mỹ cần cất tiếng kêu gọi sự ủng hộ đối với tiến trình hòa bình liên Triều.

Chúng ta cũng cần kêu gọi Chính phủ Mỹ dừng các cuộc tập trận quân sự, lắng nghe tiếng nói của người dân 2 miền Triều Tiên mong muốn tiến trình hòa giải được tiếp diễn.

Rõ ràng việc nối lại các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn với những cuộc tấn công giả định mà Triều Tiên coi là “hành động cố tình khiêu khích và gây căng thẳng” sẽ cản trở các cuộc đối thoại liên Triều”.

Hệ lụy nghiêm trọng từ việc “tuốt gươm”

Trước khi Olympic PyeongChang diễn ra, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận gần bán đảo Triều Tiên. Trong đó, đáng chú ý là cuộc tập trận trên không hồi tháng 12 giữa Mỹ và Hàn Quốc có sự tham gia của hàng trăm chiến đấu cơ, trong đó có siêu máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tầm xa B1-B.

Tuy nhiên, theo bà Christine Ahn, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên không chỉ bị ngáng trở bởi các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và các đồng minh mà còn xuất phát từ chính Bộ luật An ninh Quốc gia của Hàn Quốc.

“Luật An ninh Quốc gia Hàn Quốc coi bất kỳ cuộc liên lạc nào với người Triều Tiên cũng có thể đe dọa đến an ninh quốc gia của Hàn Quốc. Tôi nghĩ rằng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in- người từng tham gia cuộc họp thượng đỉnh năm 2007 tại Triều Tiên- hiểu rõ nhất sự phức tạp và nhạy cảm của bộ luật này bởi chính ông cũng có mẹ là người Triều Tiên và từng gặp mẹ mình trong dịp này”, bà Christine Ahn nói thêm.

Cũng theo bà Christine Ahn, Hàn Quốc hiện đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi họ là “đồng minh thân cận của Mỹ” và chấp thuận để Mỹ kiểm soát các hoạt động quân sự của Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh nổ ra. Hơn thế nữa, thế hệ lớn tuổi tại Hàn Quốc vẫn ở trong tâm thế thời Chiến tranh Lạnh và sẵn sàng tìm cách cản trở các cuộc đối thoại Hàn-Triều.

Dù vậy, bà Christine Ahn khẳng định: “Giờ là thời khắc lịch sử để tiến hành các cuộc đối thoại liên Triều. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng cam kết sẽ nỗ lực để đạt được một Hiệp ước Hòa bình thực sự giữa Mỹ và Triều Tiên giống như nội dung trong hiệp định đình chiến Hàn-Triều ký từ năm 1953”.

Về mặt kỹ thuật, hiệp định đình chiến chỉ tạm thời chấm dứt tình trạng thù địch trên bán đảo Triều Tiên mà chưa phải là một Hiệp ước Hòa bình thực sự. Chính vì thế, Chiến tranh Triều Tiên cho đến nay trên danh nghĩa vẫn chưa kết thúc.

Dù mục đích thực sự của hiệp định đình chiến là nhằm tiến tới một nền hòa bình vĩnh viên trên bán đảo Triều Tiên, mọi nỗ lực hướng đến mục tiêu tối thượng này cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Chính vì thế, theo bà Christine Ahn: “Giờ là lúc người dân Mỹ phải gây áp lực mạnh mẽ lên Chính phủ Mỹ để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Điều này không chỉ vì người dân Triều Tiên và Hàn Quốc mà còn vì chính nước Mỹ”.

Trần Khánh/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã đến lúc Hàn-Triều chính thức kết thúc chiến tranh?