Thanh long cần mô hình mới

Kinh tế - Ngày đăng : 07:59, 18/10/2016

BT- Giá cả không ổn định, dịch bệnh ngày càng nhiều, thương lái nước ngoài ép giá… đó là những nguyên nhân khiến cây thanh long - cây trồng chủ lực của Bình Thuận đang đứng trước nguy cơ điêu đứng. Nhiều hộ trồng thanh long ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam sau một thời gian đổ xô thuê, mua đất đầu tư trồng thanh long, nay đã phải rao bán sang vườn lại. Còn các chủ vựa mua bán thanh long trước sức ép của thương lái nước ngoài, càng thu mua càng lỗ cũng phải treo bảng cho thuê vựa kiếm tiền trả ngân hàng. Hàng chục nghìn trụ thanh long ở các hộ trồng nhỏ lẻ phải đốn, chặt vì không đủ chi phí tái đầu tư.

Tại buổi làm việc mới đây với Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 27.000 ha thanh long với sản lượng xấp xỉ 500.000 tấn, thanh long đã đi vào 14 nước và vùng lãnh thổ, nhưng có tới 70% thanh long tiêu thụ ở Trung Quốc và xuất theo đường tiểu ngạch. Vì nhiều lý do khác nhau, thanh long Bình Thuận chưa xuất khẩu được theo đường chính ngạch. Trước sức ép về giá cả, trong đó xuất phát từ một số doanh nhân nước ngoài núp bóng, kinh doanh trái phép, trốn thuế. Mặc dù chính quyền đã vào cuộc, nhưng một bộ phận người dân vì lợi ích trước mắt đã tiếp tay cho họ. Chia sẻ những khó khăn với nông dân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh lưu ý tỉnh không nên mở rộng diện tích thanh long thêm nữa mà tập trung tìm giải pháp tăng năng suất, rà soát, sản xuất, áp dụng các mô hình canh tác thân thiện hơn cho 27.000 ha hiện có. “Trước thời điểm Quốc hội khai mạc kỳ họp tới đây, chúng tôi sẽ trở lại Bình Thuận để tiến hành một chương trình sơ kết riêng về cây thanh long. Không thể để trái cây của chúng ta chịu cảnh sáng giá 10 chiều giá 8. Nếu không quyết liệt làm sớm thanh long sẽ mất giá”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở. Để phát triển cây thanh long một cách bền vững, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phải sớm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh. Do đó, mô hình sản xuất kiểu mới là rất phù hợp với thời điểm này. “Hộ nông dân không thể đàm phán sòng phẳng với tư thương, doanh nghiệp. Hợp tác xã là mô hình tốt, có tư cách pháp nhân. Nếu muốn xuất khẩu theo đường chính ngạch thì phải có thương hiệu, còn không có thương hiệu, không làm gì được”, ông Nhân nhấn mạnh. Và ông cũng khẳng định thêm, 100 hộ trồng thanh long cạnh nhau, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì không thể giám sát nhau về quy trình trồng thanh long. Chỉ có vào hợp tác xã mới có thể làm được điều này, để quản lý lẫn nhau theo cùng một tiêu chuẩn chất lượng. Mô hình sản xuất cá thể rất khó tồn tại thời điểm này. Hộ cá thể không thể phân nhau canh giá lên xuống được, hộ nông dân có thể sản xuất giỏi nhưng buôn bán theo cách đơn lẻ là không được. Hợp tác xã kiểu mới chính là giải pháp gỡ khó cho người nông dân. Và Chính phủ đang khuyến khích, hỗ trợ cho các mô hình hợp tác xã kiểu mới. Bình Thuận cũng nên liên kết với các địa phương lân cận để xuất khẩu thanh long, thành lập mô hình HTX, mô hình liên kết chứ không nên cạnh tranh hạ giá nhau. Vấn đề này nên làm quyết liệt thời gian tới để cây thanh long không thất bại trên sân nhà.

Khánh Ngọc