Chuyện mất mùa ở Tuy Phong

Kinh tế - Ngày đăng : 08:53, 10/10/2016

BT - Do tác động của thời tiết, ngư trường… nên việc sản xuất của một số ngành nghề ở huyện Tuy Phong năm nay đã gặp không ít khó khăn. Nghề nuôi tôm post lâu nay là một thế mạnh trên địa bàn. Toàn huyện có 109 cơ sở nuôi với 631 trại chủ yếu tập trung ở xã Vĩnh Tân với công suất bể ương trên 80 ngàn m3. Năm nay do nắng hạn kéo dài nên người nuôi hạn chế thả tôm, kéo theo sự sụt giảm của giá cả và sản lượng tiêu thụ tôm giống. Cũng may đến giữa tháng 6, vùng đồng bằng Sông Cửu Long có mưa trên diện rộng, các hộ nuôi tôm đồng loạt đi mua tôm giống nên sản lượng tiêu thụ tôm post có tăng nhưng vẫn còn giảm hơn 3% so cùng kỳ.

Nắng hạn kéo dài những tháng đầu năm còn khiến nghề nuôi thủy sản nước lợ cũng gặp khó khăn vì không đủ nguồn nước ngọt cung cấp cho các hộ nuôi tôm, do đó nhiều ao đìa nuôi thủy sản nước lợ phải “treo ao”. Một số ít hộ thả tôm nuôi thì tôm có hiện tượng chậm lớn. Tình hình hiện nay có phần được cải thiện nhờ có mưa nên các vùng nuôi tôm đồng loạt thả nuôi trở lại nhưng số lượng vẫn ở mức cầm chừng. Sản lượng thu hoạch thủy sản nước lợ tính đến giữa tháng 9 chỉ đạt 35,2%, giảm trên 30% so cùng kỳ.

Nghề khai thác hải sản trên địa bàn huyện năm nay sản lượng cũng đạt thấp do ngư trường không thuận lợi. Ngoài các nghề lưới rê, câu khơi, vây rút chì đánh bắt đạt hiệu quả, các nghề còn lại thu hoạch không cao, sản lượng đánh bắt so cùng kỳ giảm gần 4%.

Ở xã Vĩnh Tân có một số hộ nuôi cá lồng bè, mấy tháng đầu năm, bỗng xuất hiện 4 đợt cá bớp nuôi bị chết hàng loạt, số lượng trên 27.000 con. Vừa qua, ngành chức năng lấy 2 mẫu cá bớp gửi xét nghiệm tại TP. Hồ Chí Minh, kết quả có 1 mẫu dương tính với bệnh hoại tử thần kinh. Hiện những người nuôi cá lồng bè đã được hướng dẫn cách phòng ngừa và ngăn bệnh không cho lây lan. Nhìn chung, từ đầu năm đến nay các ngành nghề như sản xuất tôm giống, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản không hiệu quả so với năm trước.

H.Â