Tìm thị trường tiềm năng cho sản phẩm lợi thế

Kinh tế - Ngày đăng : 08:30, 24/09/2021

BT- Trong 11 loại trái cây ở Việt Nam được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn xác định có lợi thế cạnh tranh thì thanh long hiện đứng vị trí thứ nhất. Với loại trái này, Bình Thuận cũng xác định là một trong những sản phẩm lợi thế của tỉnh bởi có diện tích, sản lượng thu hoạch nhiều nhất cả nước. Chính vì vậy, việc chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ tiềm năng (ngoài thị trường Trung Quốc), đem lại hiệu quả kinh tế cho sản phẩm lợi thế luôn được địa phương quan tâm.

Không thể phủ nhận, thanh long trái tươi của Bình Thuận phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc trong suốt thời gian qua, nhưng chủ yếu xuất khẩu theo hình thức biên mậu. Số liệu tổng hợp từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh cho thấy lượng thanh long Việt Nam xuất sang thị trường đông dân nhất thế giới qua các cửa khẩu biên giới khá lớn. Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, thanh long cả nước thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đạt hơn 6 triệu tấn, trong đó thanh long Bình Thuận chiếm đa số.

Tuy nhiên gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát phòng dịch khắc khe, thêm nữa là sự cạnh tranh tiêu thụ của nhiều nông sản nên thanh long Bình Thuận hiện xuất qua thị trường này gặp không ít trở ngại... Trước tình hình mới, địa phương đã chủ động phối hợp tăng cường xúc tiến quảng bá cho sản phẩm lợi thế, qua đó tìm kiếm cơ hội mở rộng các thị trường tiềm năng, từng bước giảm phụ thuộc vào duy nhất một thị trường... Và dù đại dịch còn diễn biến phức tạp, song ngành chức năng cùng một số doanh nghiệp của tỉnh vẫn tích cực tham gia các hội nghị giao thương trực tuyến về kết nối tiêu thụ thanh long.

Sản phẩm từ thanh long được xem là sản phẩm lợi thế của Bình Thuận

Điển hình trong tháng 8 vừa qua, Bình Thuận đã tham gia Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức. Thông cáo báo chí sự kiện cho biết: Thanh long được trồng ở một số tỉnh, thành của Việt Nam, nhưng tỉnh Bình Thuận được coi là “thủ phủ” của loại cây này. Đồng thời giới thiệu với các đối tác một số thông tin cụ thể về Bình Thuận, như hiện có 33.750 ha canh tác cây thanh long, trong đó diện tích được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 11.000 ha và diện tích GlobalGAP đạt 517 ha... Còn theo Cục Xúc tiến thương mại, hội nghị kỳ vọng sẽ góp phần kết nối, đưa trái thanh long tươi và sản phẩm chế biến từ thanh long của Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng mở rộng xuất khẩu tại 2 thị trường này vào thời gian tới.

Tiếp đó, Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng thông qua hình thức Zoom, Tencent và Facebook cũng vừa được Cục Xúc tiến thương mại phối hợp tổ chức thành công trong tháng 9/2021. Ngoài sở chức năng của tỉnh, hội nghị có sự tham gia của đại diện Hiệp hội Thanh long Bình Thuận và 11 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm thanh long... Qua hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại trong phiên giao thương trực tuyến, các doanh nghiệp và hợp tác xã của Bình Thuận đã bước đầu kết nối với nhiều đối tác. Có thể kể đến Gajanan Ashirwad Industries, Auroch Agro Products Pvt Ltd, Anycaan Business Trade & Solutions Pvt Ltd (Ấn Độ), hoặc một số doanh nghiệp tại thị trường Úc (quan tâm thanh long ruột đỏ), Nhật Bản (đưa vào chuỗi siêu thị tại Nhật), Trung Quốc và thị trường châu Âu…

Về sự kiện này, lãnh đạo Sở Công Thương thông tin thêm: Kết thúc phiên kết nối giao thương trực tuyến, doanh nghiệp các bên nhất trí tiếp tục kết nối, trao đổi cụ thể hơn về giá cả, quy cách sản phẩm… để có thể tiến tới ký kết hợp đồng kinh doanh. Vì vậy Sở Công Thương sẽ theo dõi kết quả kết nối giao thương giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với đối tác và hỗ trợ thông tin theo yêu cầu, hướng tới xúc tiến mở rộng thị trường tiềm năng tiêu thụ thanh long Bình Thuận vào thời gian đến.

Quốc Tín