Các trường THPT: Ứng phó phương án thi THPT mới

Giáo dục - Thanh niên - Ngày đăng : 09:14, 05/10/2016

BT - Ngay sau khi phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017  được Bộ GD&ĐT “chốt” trong tuần qua, nhiều trường THPT đã bắt đầu lên kế hoạch giảng dạy theo yêu cầu của cách thi mới. Đã có trường chuẩn bị lịch “chạy nước rút” ứng phó những thay đổi về kỳ thi.
         
   

      

         Một buổi thi thử tại Trường THPT Phan Thiết.

Chuyển hình thức kiểm tra theo trắc nghiệm

Đó là việc phải làm đầu tiên ngay trong tháng 10 này, nhiều trường THPT khi được hỏi đều cho biết như thế. “Với yêu cầu tất cả bài thi đều theo hình thức trắc nghiệm, ngoại trừ môn văn, buộc các trường phải thay đổi hướng kiểm tra sang trắc nghiệm mới giúp thí sinh quen dần phương pháp học, thi cho thời gian tới”, một hiệu trưởng cho biết. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc soạn các đề kiểm tra. Cô Trần Thị Bảo Chi – Phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Thiết, kiêm dạy môn toán cho biết: Ngay sau khi biết môn toán sẽ thi trắc nghiệm, bản thân giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy hoàn toàn. Lúc trước dạy và ôn tập đều có chủ đề cụ thể, bây giờ phải dạy hết, e rằng học sinh sẽ học không nổi. Cụ thể chuyên đề đường tiệm cận, lâu nay chỉ dạy khoảng 15 phút, dành thời gian cho khảo sát hàm số nhưng năm nay phải dạy sâu và kỹ hơn để học sinh nắm bắt. Và chủ yếu sẽ dạy cho học sinh các kỹ năng tính toán trên máy tính nhiều hơn, lúc trước không cần đề cập vấn đề này. Hơn nữa, soạn đề trắc nghiệm do mới nên khó hơn đề thi viết. Đề tự luận thường chỉ 3, 4 câu, còn đề trắc nghiệm phải 40 câu, nếu kiểm tra 45 phút thì khoảng 20 - 25 câu. Các môn khác như sử, địa còn dễ, đề môn toán công thức là chủ yếu, mỗi lần soạn đề rất mất thời gian. “Thời điểm này chưa tổ chức kiểm tra theo hướng trắc nghiệm được mặc dù đã chuẩn bị các câu hỏi, dự kiến bài kiểm tra 1 tiết lần thứ 2 sắp tới sẽ cho các em làm theo hình thức trắc nghiệm”, cô Chi cho biết.

Lần đầu tiên, môn giáo dục công dân được chọn làm môn thi tốt nghiệp, nhiều giáo viên lẫn học sinh khá bất ngờ. Tư tưởng học lệch của học sinh đã được khắc phục, học sinh đã bắt đầu thay đổi cách học, xác định rõ hơn các tổ hợp môn mình cần phải thi để có kế hoạch học tập tốt. Em Nguyễn Thị Thu Thảo, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Phan Thiết cho biết: Đưa môn giáo dục công dân vào thi, nhiều bạn cũng hơi ngại học, nhưng riêng em thì không vấn đề gì. Nếu học để lấy điểm xét học bạ cuối năm thì khác, nhưng là môn thi như các môn khác cần phải học kỹ. Không chỉ học ở trường, đòi hỏi phải thu thập thêm kiến thức bên ngoài, nhất là nội dung liên quan đến luật pháp, Hiến pháp, vấn đề xã hội, bình đẳng giới…

Đổi mới cách thi, nhưng không giảm tải chương trình học

Rất nhiều giáo viên cho rằng Bộ GD&ĐT đổi mới cách thi, rút ngắn thời gian thi nhưng không hề giảm tải chương trình học, khiến học sinh rất áp lực. Cụ thể từ 4 ngày thi như năm ngoái, năm nay chỉ còn 2 ngày thi nhưng với 4 bài thi. Em M.Hương, học sinh Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo cho rằng, bình quân một học sinh nếu thi chỉ để xét tốt nghiệp cũng phải thi ít nhất 6 môn. Năm ngoái chỉ cần thi 4 môn là đủ, như vậy quá nặng về kiến thức. Hương lý giải, em dự định thi khối A1 gồm 3 môn toán, lý, tiếng Anh, như năm ngoái em chỉ thi thêm môn văn là vừa xét tốt nghiệp và đại học. Nhưng năm nay ngoài 3 môn thi bắt buộc là toán, văn, tiếng Anh, Hương phải thi thêm tổ hợp khoa học tự nhiên gồm 3 môn lý, hóa, sinh theo quy định, tổng cộng thi 6 môn, quá sức với học sinh.

Được biết, sắp tới Sở GD&ĐT sẽ có hướng dẫn, các trường căn cứ xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp. Tuy nhiên, với phương án thi mới, học sinh cần nhận thức cách học một cách nghiêm túc, phù hợp, không chủ quan. Mặc dù Bộ GD&ĐT không đánh đố, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12, nhưng ngay từ bây giờ phải xác định cụ thể từng tổ hợp mình sẽ thi, lên kế hoạch học tập cụ thể. Với nguyên tắc học thật chắc, học đều các môn, nắm vững kiến thức, biết vận dụng cho hình thức thi trắc nghiệm. Đặc biệt, cần từ bỏ ngay tư tưởng học lơ là, đánh cầu âu hoặc xác suất trong thi trắc nghiệm.        

Khánh Ngọc