Phải đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân

Xã hội - Ngày đăng : 21:09, 12/09/2016

BTO- Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai với 13 tỉnh thành trong cả nước về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ/bão số 4 vào cuối giờ chiều ngày 12/9.  Ở đầu cầu Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai chủ trì, cùng sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN thuộc các sở, ngành.
                
      Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai chủ trì hội nghị tại đầu cầu Bình    Thuận

 Theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), chiều ngày 11/9, vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành ATNĐ. Hồi 14 giờ, ngày 12/9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc, 111,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam- Bình Định khoảng 210 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 8-9.

Dự báo trong 6 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và khả năng mạnh lên thành bão. Từ hôm nay (12/9) đến khoảng ngày 14/9, khu vực Nam biển Đông (bao gồm vùng biển Quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận - Cà Mau liên tục có mưa dông và gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Do ảnh hưởng của ATNĐ sau mạnh lên thành bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng- Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; biển động mạnh…

Tại hội nghị, sau khi nghe một số tỉnh, thành và đơn vị báo cáo tình hình đối phó ATNĐ/ bão, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, các tỉnh đã chủ động trong công tác phòng chống bão. Đồng thời nhấn mạnh, ATNĐ/bão diễn biến nhanh, nhất là khi gần bờ, gây mưa lớn. Do đó, các tỉnh cần lưu ý đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân. Đối với tàu thuyền, kiểm tra lại những khu neo đậu để đảm bảo an toàn. Về mưa lũ, dự báo các tỉnh từ Quảng Trị - Bình Định sẽ có mưa lớn, xuất hiện đợt lũ từng nơi. Vì vậy, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục các phương án đối với sản xuất nông nghiệp; chú ý an toàn trong sản xuất thủy sản; đôn đốc nông dân thu hoạch lúa hè thu cuối vụ. Ngoài ra, tất cả các công trình xây dựng ở vùng trọng điểm cần có phương án phòng chống. Các tỉnh thành, căn cứ tình hình cụ thể, chủ động phương án đối phó…

Riêng tại Bình Thuận, hiện tại ở tất cả các hồ chứa trong tỉnh, Công ty TNHH KTCT thủy lợi đã cử người thường trực, theo dõi diễn biến thời tiết, lượng mưa để chủ động vận hành, điều tiết bảo đảm an toàn công trình và hạ du, xử lý kịp thời các sự cố. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố về tình hình triển khai phòng tránh ATNĐ, ở tất cả các địa phương đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; rà soát các phương án phòng tránh ATNĐ, chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán, di dời dân, chủ động theo phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, lực lượng để triển khai khi có lệnh.

    
    Toàn tỉnh có 2.557 tàu thuyền đang hoạt động trên biển    Tính đến 13 giờ 30’ ngày 12/9,tổng số tàu thuyền của tỉnh là 7.450   chiếc/40.107 lao động. Cụ thể, tổng số tàu thuyền của tỉnh đang hoạt   động trên biển là 2.557 chiếc/12.731 lao động. Trong đó, tàu thuyền đánh   bắt xa bờ là 436 chiếc/3.958 lao động, hoạt động tại khu vực Trường Sa   (70 chiếc/595 lao động); Nam Côn Sơn 244 chiếc/2.443 lao động; Nam đảo   Phú Quý 122 chiếc/920 lao động. Riêng tàu hoạt động gần bờ là 2.121   chiếc/8.773 lao động. Các tàu thuyền hiện nay vẫn giữ liên lạc với các   đồn biên phòng, các đài thông tin duyên hải khu vực. Riêng các tàu neo   đậu an toàn tại các bến, khu neo đậu trong tỉnh là 4.983 chiếc/27.376   lao động. Tàu thuyền các tỉnh bạn hiện đang neo đậu trong các bến, cảng   của tỉnh có 111 chiếc/836 lao động

K.Hằng