Đánh bom ở Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ: Khởi đầu làn sóng khủng bố mới?

Quốc tế - Ngày đăng : 16:17, 12/12/2016

Các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng những ngày qua tại Trung Đông có thể là sự khởi đầu cho một làn sóng khủng bố và bạo lực đẫm máu mới.

Trung Đông, khu vực đầy bất ổn của thế giới từ hàng chục năm qua, thêm một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi hai trong số những quốc gia hùng mạnh nhất khu vực là Ai Cập và Thổ Nhỹ Kỳ, cùng với Yemen, liên tiếp phải hứng chịu hàng loạt cuộc tấn công khủng bố đẫm máu những ngày qua. Theo các báo cáo chính thức, đã có ít nhất hơn 100 người chết cùng hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc tấn công xảy ra trong vòng 3 ngày qua tại 3 quốc gia này.

Tại Ai Cập, quốc gia đang chìm trong cuộc khủng hoảng kép an ninh – kinh tế từ hơn 5 năm qua, chỉ trong vỏn vẹn 3 ngày từ 9 đến 11/12, đã phải hứng chịu 2 cuộc đánh bom khủng bố kinh hoàng khiến tổng cộng hơn 30 người chết và gần 60 người bị thương. Cuộc tấn công mới và đẫm máu nhất là vụ đánh bom xảy ra bên trong một Nhà thờ Công giáo ở quận Abbasiya thuộc nội đô thủ đô Cairo sáng 11/12, cướp đi mạng sống của ít nhất 23 người và khiến 49 người bị thương.

                
      
         Một phần mái nhà thờ bị hư hại sau vụ nổ

Phần lớn các nạn nhân là người Công giáo và trong số những người bị thương có nhiều trường hợp nguy kịch. Đây được coi là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất nhằm vào cộng đồng người Công giáo thiểu số tại Ai Cập, quốc gia do người Hồi giáo chiếm đa số, trong vòng 5 năm qua.

Ngay sau khi cuộc tấn công xảy ra, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El Sisi, đã thề sẽ tiến hành mọi biện pháp có thể để đưa những kẻ thực hiện tội ác ra nghiêm trị trước pháp luật. Theo Tổng thống Ai Cập, vụ tấn công là một phần trong cuộc chiến tranh của các lực lượng khủng bố và tội ác nhằm vào nhân dân Ai Cập. Cùng ngày, Nhà thờ Al Azhar, Nhà thờ Hồi giáo dòng Sunni lâu đời nhất trên thế giới, cũng ra thông báo cực lực lên án vụ tấn công, coi đây là một âm mưu tội ác nhằm chia rẽ sự đoàn kết giữa các tôn giáo tại Ai Cập.

Hai ngày trước vụ tấn công này, Ai Cập cũng đã bị chấn động bởi một cuộc tấn công khủng bố đẫm máu bằng xe ô tô chứa bom nhằm vào một chốt an ninh bên ngoài một Nhà thờ Hồi giáo trên tuyến đường dẫn ra quần thể Kim Tự Tháp Giza nổi tiếng ở tỉnh Cairo. Cuộc tấn công đã khiến ít nhất 6 nhân viên an ninh thiệt mạng và 7 người khác bị thương, đồng thời là một đòn giáng mạnh vào ngành du lịch vốn đang điêu đứng vì bất ổn của Ai Cập. Chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Ai Cập, được cho là thủ phạm của cả hai cuộc tấn công này.

Còn tại Thổ Nhỹ Kỳ, một vụ đánh bom kép đã xảy ra bên ngoài một sân bóng đá ở thành phố lớn nhất nước Istanbul, tối thứ 7 (10/12) vừa qua, cướp đi mạng sống của 38 người và khiến 155 người khác bị thương. Lực lượng Đảng công nhân người Cuốc (PKK), đã tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công. PKK cũng chính là thủ phạm của vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng tại thủ đô Ankara hồi năm ngoái khiến 37 người chết và hàng trăm người khác bị thương.

                
      
         Chiếc xe cảnh sát bốc cháy bên ngoài sân bóng đá ở Istanbul (Ảnh:    The Guardian)

Ngay lập tức, Chính phủ Thổ Nhỹ Kỳ đã ra tuyên bố khẳng định sẽ có hành động báo thù đích đáng nhằm vào PKK. Trong một thông báo, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhỹ Kỳ Suleyman Soylu nêu rõ, bằng mọi giá, kẻ thủ ác nhất định sẽ bị trừng trị.

Trong khi đó ở Yemen, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã chính thức lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom một doanh trại quân đội ở thành phố cảng Aden thuộc miền nam Yemen hôm 10/12, khiến 48 quân nhân thiệt mạng và 29 người bị thương. Đây là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất do IS thực hiện tại Yemen kể từ khi chiến sự nổ ra tại quốc gia A rập này hồi tháng 3 năm ngoái.

Theo giới phân tích khu vực, các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng những ngày qua tại Trung Đông có thể là sự khởi đầu cho một làn sóng khủng bố và bạo lực đẫm máu mới tại Trung Đông, một khu vực vốn đầy rẫy bất ổn và hiện đang được coi là thánh địa lý tưởng cho chủ nghĩa khủng bố, cực đoan phát triển và bành trướng tội ác. Hậu quả của làn sóng khủng bố mới là nguy hiểm khôn lường khi mục tiêu tấn công của chúng có thể là bất kỳ ai, kể cả dân thường, người già, phụ nữ hay trẻ em.

Bá Thi/VOV