Những người thợ xảm

Văn hóa - Thể thao - Ngày đăng : 09:32, 17/08/2018

BT- Những chiếc tàu (thuyền) gỗ trước khi xuống nước, ra khơi đều phải được hàn kín các lỗ, khe hở, khoảng trống mà trong quá trình đóng để lại. Công việc này gọi là xảm.
                
   Những người thợ xảm.

Nghề xảm tàu thuyền gỗ hình thành hàng trăm năm nay, khi mà nghề đóng thuyền ra đời. Nguyên liệu xảm là xơ tre già bào mỏng, sau đó dùng chân đạp, hoặc dùng máy đánh cho tơi ra. Khi xảm, thợ xảm dùng dùi đục lưỡi mỏng đưa xơ tre vào các khe hở của hai lớp ván, rồi dùng dầu rái (đã qua nấu sôi) phủ lên bên ngoài, tạo thành một vệt liền với ván thuyến, nhờ đó nước không thấm vào.

                
   
   Phụ nữ cũng làm xảm.

Hiện nay, có một số thợ xảm, thay vì dầu rái, dùng keo tổng hợp, chống nước phủ bên ngoài các khe hở, nhưng theo nhiều người có kinh nghiệm, nhất là các chủ tàu thuyền, dầu rái vẫn tốt và bền hơn.

Nghề xảm tàu thuyền, không đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật nhưng đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó trước nắng gió. Hiện nay,  ngày công thợ xảm chính khá cao (trên 400 ngàn đồng/ngày), song do lượng tàu thuyền gỗ ngày một ít đóng nên thợ xảm bỏ nghề khá nhiều. Tại bến thuyền Ba Thám (thị xã La Gi),  hiện còn một số thợ xảm chuyên nghiệp và họ nhận xảm (khoán) cho từng thuyền. Dĩ nhiên, sau khi nhận khoán họ sẽ hướng dẫn cho vợ con cùng làm, vì như  nói trên: thợ xảm bỏ nghề tìm việc khác khá nhiều.

H.H