Theo dõi trên

Xung quanh vụ phá rừng trồng thanh long ở Tà Cú: Từ tin đồn thất thiệt để chiếm đất

05/12/2017, 09:33

BT- Trong cuộc họp giao ban báo chí tháng 12/2017 của tỉnh, ông Lục Minh Hiếu, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc các đối tượng phá rừng lấy đất trồng thanh long ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (Hàm Thuận Nam) là do tin đồn thất thiệt. Theo đó, gần đây xuất hiện tin đồn sẽ tách tiểu khu 302A ra khỏi lâm phần quản lý của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Mặt khác, cũng trong thời gian này Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Hàm Thuận Nam đang tổ chức đo đạc số diện tích đất có nguồn gốc người dân đã canh tác sản xuất nông nghiệp ổn định trước khi thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú vào năm 1996, được UBND huyện Hàm Thuận Nam xác định tính pháp lý và đã quy hoạch điều chỉnh đưa ra ngoài 3 loại rừng giao cho địa phương bố trí sản xuất cho dân tại khu vực này. Từ đồn thổi thất thiệt trên, nhiều khoảng rừng ở tiểu khu 302A bị triệt hạ để chiếm đất.

                
   Hàng loạt cây rừng bị đốn hạ ở tiểu khu    302A.

Cũng theo ông Hiếu, trong đợt kiểm tra thực tế hiện trường mới đây, tại khu vực 1, diện tích rừng bị phá là 1.690m2 nằm trong lô 7, khảnh 5, thuộc tiểu khu 302A, đối tượng rừng sản xuất thuộc lâm phần của Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, nằm trên địa bàn hành chính thôn Hiệp Nhơn, xã Tân Thuận. Số gốc cây bị chặt là 48 cây, có đường kính từ 10 – 17 cm, khối lượng lâm sản bị thiệt hại ước khoảng 0,391 m3. Tại khu vực 2, diện tích bị phá là 1.656 m2 cũng nằm trong lô 7, khảnh 5, thuộc tiểu khu 302A, tổng số cây rừng bị chặt hạ là 80 cây, hầu hết là gỗ sến, khối lượng lâm sản thiệt hại là 0,671 m3. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện tại khu vực này có một đường ranh rộng 1m, dài 120m, cách diện tích rừng bị phá ở khu vực 2 là 50m, trên đường ranh này toàn bộ số cây bị chặt phá có đường kính bình quân là 6cm, còn nguyên hiện trường chưa bị thu dọn. Hiện nay cơ quan điều tra vẫn chưa tìm ra được đối tượng phá rừng trên.

Với thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú tăng cường lực lượng ứng trực, tổ chức tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm và mua bán đất lâm nghiệp trái phép tại khu vực này. Có biện pháp tổ chức bảo vệ để rừng tái sinh, trước mắt giữ nguyên hiện trường, không để đối tượng đốn rừng hoặc tiếp tục phá rừng nới ranh. Phối hợp với kiểm lâm địa bàn, UBND xã Tân Thuận tổ chức tuyên truyền đến tận các hộ dân sinh sống và canh tác nông nghiệp ở khu vực này. Đối với lực lượng kiểm lâm Hàm Thuận Nam hỗ trợ cho kiểm lâm địa bàn trong hoạt động kiểm tra, truy quét, ngăn chặn tình hình phá rừng, lấn chiếm đất tại khu vực trên. UBND huyện Hàm Thuận Nam cũng đã chỉ đạo Công an huyện Hàm Thuận Nam phối hợp với Công an xã Tân Thuận điều tra xử lý nghiêm các đối tượng tung tin đồn thất thiệt về việc nhà nước sẽ chuyển tiểu khu 302A ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Hỗ trợ Hạt kiểm lâm, UBND cấp xã trong xác minh làm rõ các đối tượng có hành vi chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú để xử lý. Yêu cầu UBND xã Tân Thuận có kế hoạch tổ chức cho các hộ dân đang canh tác ven rừng cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên trong nhân dân…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung quanh vụ phá rừng trồng thanh long ở Tà Cú: Từ tin đồn thất thiệt để chiếm đất