Theo dõi trên

Vùng cát “nóng” ở Bắc Bình

14/11/2019, 14:14 - Lượt đọc: 90

Bài 2: Khi đất cát được nâng giá trị

BT - Điều đáng chú ý là tâm thế của người dân nơi đây đón nhận sự đổi khác ấy ra sao, chính các cơ quan đoàn thể gồm hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân… phải dốc sức hơn nữa trong vận động, tuyên truyền hội viên mình để tránh tình cảnh lạ lùngnhư vừa rồi ở Hòa Thắng.

Đâu chỉ bởi du lịch

Nhiều người nhận định việc lấn chiếm đất manh động ở Hòa Thắng vì sức hút của du lịch, nhất là vị trí nơi đây quá lý tưởng trong quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Né nhưng thực tế, ở Bắc Bình, còn vì nhiều sức hút khác như điện mặt trời. Những vùng khác như Hồng Phong, Hồng Thái, Sông Lũy, Bình Tân… nơi tập trung nhiều động cát, theo thời gian các vùng đất được mở ra, khai hoang từ nền cát, từ đồi bãi, người dân được Nhà nước cho thuê 49 năm, 30 năm… nhưng trước đây thiếu nước, khó sản xuất nên không có giá trị gì, không ai chú ý. Còn bây giờ, khi những dự án điện mặt trời vào khiến các vùng đất trên có giá trị lên từng ngày qua sự nâng giá của các tầng lớp “cò đất” gom bán lại cho các chủ đầu tư điện mặt trời. Thông thường, sau khi đã nhắm trước vùng đất định đầu tư, các chủ dự án sẽ nhờ lực lượng “cò” gom đất trước với số lượng lớn khoảng tầm 100 - 200 ha, sau đó mới tuần tự đi đến chính quyền làm các thủ tục theo luật định sau. Vì đây thường là đất các hộ dân thuê và trả tiền Nhà nước hàng năm, chứ không phải trả trước 49 năm nên theo luật định, nếu chủ đầu tư vào thì chỉ đền bù phần tài sản hình thành trên đất. Vì vậy, khâu gom đất trước này tương tự như phần thỏa thuận giữa chủ đầu tư và hộ dân có đất thuê. Điều tưởng như sẽ rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ dự án trên đã khiến giá đất những vùng “khỉ ho, cò gáy” tăng vùn vụt và việc lấn chiếm đất theo hướng bất thình lình hoặc cơi nới đã xảy ra mang tính phổ biến. Theo đó, những giao dịch bất chấp pháp luật đã diễn ra.

Rừng trồng ở Hòa Thắng. Ảnh: Ngọc Lân

Vì hầu hết trong hợp đồng thuê đất của Nhà nước hay được giao khoán đất, đều có điều khoản là không được chuyển nhượng dưới bất cứ hình thức nào nên khi đi gom đất, “cò đất” các hạng bé, trung hay lớn đều chỉ nắm sổ đỏ và giấy chuyển nhượng viết tay, không có cơ quan chức năng nào thẩm định. Ngay cả các văn phòng công chứng tư nhân cũng không chấp thuận công chứng cho những cuộc giao dịch này. Vì thế, nhiều hình thức lách luật khác đã nảy sinh như hợp đồng ủy quyền… Thành ra, trong thời gian qua, một mảnh đất đã bán qua tay nhiều chủ nhưng vì không theo trình tự thủ tục quy định nên chính quyền không thể phát hiện ngăn chặn mà ngành thuế cũng không thu được các khoản thu nhập cá nhân này. Trước tình hình trên, vào tháng 6/2019, UBND huyện Bắc Bình đã có công văn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về đất đai để nhân dân thực hiện quản lý, sử dụng đất đúng quy định pháp luật; cảnh giác, không để các tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định mà hợp thức bằng các hợp đồng ủy quyền, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai và quản lý thuế…

Đâu chỉ bởi điện mặt trời

Nếu đất vùng bỏng cát, sỏi đá trên cũng tăng giá thì đất ở những nơi có giá trị hơn như đã có cây rừng, tức đã sinh lợi nhuận của Ban Quản lý rừng phòng hộ khu Lê (gọi tắt ban quản lý) càng khó giữ hơn. Nhiều thông tin râm ran rằng một số hộ dân đã chuyển nhượng đất được ban quản lý giao khoán, nhưng không thể hiện trên giấy tờ pháp lý. Có nghĩa, người mua đất và người muốn chuyển nhượng đất thỏa thuận với nhau theo hướng người mua sẽ nhận diện tích giao khoán ấy. Nhưng theo hợp đồng giao khoán giữa ban quản lý và hộ dân thì điều này là không được phép. Tuy nhiên, điều ấy vẫn đang diễn ra theo kiểu loan tin hộ này, hộ kia đã chuyển nhượng… Vì vậy, từ giữa năm 2019 đến nay, ban quản lý đã phối hợp với chính quyền các xã có dân nhận khoán đất rừng thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích giao khoán đất rừng tại thực địa trên 964,057 ha. Trong đó, diện tích giao khoán cho 54 hộ gia đình là 732,587 ha; diện tích giao khoán cho 3 công ty là 231,47 ha. Với các hộ dân nhận khoán đất rừng tập trung tại xã Hòa Thắng, Hồng Thái, hàng năm ban đều mời họp, trong đó nổi lên 4 hộ dân từ năm ngoái đã không dự, đến năm nay lại tiếp tục vắng mặt, dù đã gửi giấy mời nhiều lần. Qua kiểm tra, rà soát, đơn vị đã làm thủ tục thanh lý hợp đồng giao khoán đối với 4 trường hợp trên.

Cũng tại lâm phần của ban quản lý, việc phá rừng và lấn chiếm đất rừng đã diễn ra bằng những con số cụ thể. Theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ khu Lê, qua 3 đợt truy quét, ban quản lý đã đập và phá bỏ 330 trụ bê tông, trụ bằng cây chôn trong lâm phận của các đối tượng nhằm mục đích lấn, chiếm đất rừng. Đồng thời, cũng lập biên bản 3 vụ phá rừng và chiếm đất rừng sản xuất trái pháp luật với diện tích 2,39 ha, thuộc ranh giới xã Hòa Thắng. Trong đó có 1 vụ phá rừng trái pháp luật tại Tiểu khu 153B với diện tích 2.500 m2 và 2 vụ chiếm đất rừng với diện tích 21.400 m2. Song song đó, đơn vị cũng tổ chức chôn 113 mốc giới giáp ranh giữa đất rừng và đất địa phương quản lý. Mới đây, trong tháng 8/2019, người dân thôn Hồng Thắng, xã Hòa Thắng đã có đơn tập thể đề nghị Ban QLRPH Lê Hồng Phong xử lý hành vi lấn, chiếm đất rừng phòng hộ. Nhưng qua kiểm tra thực địa tại khu vực theo đơn, thì đó thuộc khu vực đất chưa sử dụng do UBND xã Hòa Thắng trực tiếp quản lý, không thuộc lâm phần của ban. Trong khi đó, xã Hòa Thắng lại đang loay hoay giải quyết tình trạng dân lấn chiếm đất công, phối hợp xử lý đất dự án bị lấn chiếm nên việc xâm lấn đất trên, hình như bị bỏ quên khiến những hộ dân phát hiện, bức xúc phải gửi đơn. Điều đó cho thấy, tình hình rối ren ở vùng cát này đã lên đỉnh điểm, chỉ bởi đất nơi đây đang có giá cao mà quản lý của chính quyền chưa sâu sát.

Sau cất vó?

Trong thời gian ở vùng cát bên này bị lấn chiếm, mua bán ồ ạt thì ở những nơi khác mang tính xung yếu trên địa bàn huyện Bắc Bình cũng bị xâm lấn đã phát hiện sớm hơn. Nhiều điểm dừng chân trái pháp luật do một số cá nhân từ Lâm Đồng qua lấn chiếm đất hành lang đường bộ QL28B, lấn chiếm đất rừng dọc tuyến quốc lộ 28B xây dựng lên cần phải xử lý sớm để tránh hậu họa sạt lở trong mùa mưa này. Những kiểu chặt phá cây rừng, chiếm đất, giao dịch đất đai với nhà đầu tư ở khu vực Cà Cấu thuộc BQL rừng Phòng hộ Cà Giây và Tiểu khu 82B thuộc BQL rừng Phòng hộ Sông Lũy, rồi khu vực ven lòng hồ Cà Giây - xã Bình An làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự cần phải giải quyết nhanh nhằm tránh lây lan, nhất là trong bối cảnh đang dốc sức đền bù cho tuyến đường cao tốc, công trình hồ Sông Lũy. Và gần đây thêm chuyện rào bao chiếm đất, lấn chiếm các dự án... manh động ở tầm băng nhóm ở Hòa Thắng, tựa như làm nước tràn ly.

Khoan nhìn mặt tiêu cực, hãy nhìn ở mặt tích cực để thấy rằng, vùng đất nghèo khô hạn lâu nay ở Bắc Bình bây giờ đã nâng giá trị, đã có sức hút mới, đã bước sang một trang khác nên cần nâng tầm quản lý đất đai ở bậc cao hơn. Qua đó, sẽ có hướng thu hút đầu tư. Và trước mắt, với thực trạng diễn ra, cách giải quyết như thế nào sẽ chứng minh điều ấy. Có thể, rà soát, phân loại các trường hợp ngoan cố, không hợp tác, xem thường pháp luật củng cố hồ sơ ban hành quyết định cưỡng chế điển hình. Có thể, công an quyết liệt vào cuộc, thành lập chuyên án xử lý các đối tượng nổi cộm, đầu cơ chiếm đất để bán hoặc các đối tượng “cò, mồi” nhằm làm giá đất “tăng ảo”. Có thể, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan… Nhưng điều đáng chú ý vẫn là tâm thế của người dân nơi đây đón nhận sự đổi khác ấy ra sao, chính các cơ quan đoàn thể gồm hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân… phải dốc sức hơn nữa trong vận động, tuyên truyền hội viên mình để tránh tình cảnh lạ lùng như vừa rồi ở Hòa Thắng.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vùng cát “nóng” ở Bắc Bình