Theo dõi trên

Viết tiếp bài “Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú: Tái diễn tình trạng dân phá rừng trồng thanh long”:

13/11/2017, 08:55

Truy tìm, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi phá rừng

BT- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc kiểm tra, xác minh thông tin bài báo “Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Cú: Tái diễn tình trạng dân phá rừng trồng thanh long” ra ngày 26/10/2017, ngày 3/11, Chi cục Kiểm lâm tỉnh dẫn đầu đoàn công tác đến hiện trường để kiểm tra, xác minh nội dung thông tin báo đăng.

                
Trụ thanh long mới mọc sát rừng.

Phản ánh đúng sự thật

Tại khu vực 1 báo nêu 48 gốc sến, qua kiểm tra thực tế và đối chiếu với hồ sơ của Ban quản lý (BQL) Khu BTTN Tà Cú, Hạt Kiểm lâm (HKL) Hàm Thuận Nam, tổ kiểm tra thống nhất: Lô 7 khoảnh 5 tiểu khu 302A với diện tích 1.690 m2 có 48 gốc sến có đường kính từ 10 - 17cm bị đốn hạ. Tại khu vực 2, có 80 cây rừng bị phá, hầu hết là cây sến trên diện tích 1.656 m2. Quan sát hiện trường, thân cây bị chặt hạ còn nằm tại gốc, ngọn lá đã khô rụng. Một số mặt cắt gốc còn nhựa cây đọng khô, một số gốc đã nảy chồi có chiều cao từ 10 - 30cm. Vết tích để lại trên mặt cắt gốc là dấu của cưa tay và dấu chặt bằng dao rựa. Ngoài ra, tổ kiểm tra còn phát hiện tại lô 7, khoảnh 5 có một đường ranh theo hướng đông - tây, rộng 1m, chiều dài 120m cách diện tích rừng bị phá 50m. Trên đường ranh này toàn bộ số cây bị chặt phá (có đường kính tương đương 6cm) còn nguyên tại hiện trường chưa thu dọn.

Sau khi tiến hành kiểm tra thực tế hiện trường khu vực mà bài báo đăng theo hướng dẫn của phóng viên, đoàn công tác đã về trụ sở UBND xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam họp xem xét nguyên nhân vụ việc và bàn phương án ngăn chặn tình trạng phá, lấn, chiếm đất rừng. Tại buổi làm việc, ông Võ Hữu Phương - Phó Giám đốc Khu BTTN Tà Cú cho biết: 2 khu vực bị phá rừng mà phóng viên Báo Bình Thuận phản ánh trong bài báo và dẫn tổ công tác kiểm tra là nằm trong tiểu khu 302A (rừng sản xuất) có tục danh là khu vực Láng Mã, thuộc địa giới hành chính thôn Hiệp Nhơn, xã Tân Thuận. Vụ việc phá rừng này, Ban quản lý (BQL) khu BTTN Tà Cú đã có kiểm tra và lập 4 hồ sơ, hiện đang theo dõi, phục bắt đối tượng phá rừng. Cụ thể, vào ngày 6/10/2017, đơn vị đã phát hiện và lập 2 hồ sơ về tình hình san ủi 0,2004 ha đất trống, cỏ tranh và phát dọn 0,106 ha rẫy cũ. Đến ngày 18/10, đơn vị tiếp tục phát hiện và lập hồ sơ về khu vực rừng sát bên khu đất trống bị ủi nêu trên đã bị các đối tượng chặt phá 20 cây trên tổng diện tích là 0,694 ha (đây là một trong 2 khu vực mà phóng viên chỉ dẫn). Toàn bộ hồ sơ vụ việc, BQL Khu BTTN Tà Cú đã chuyển đến Hạt kiểm lâm (HKL) Hàm Thuận Nam để xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Qua diễn biến các vụ san ủi đất, chặt phá cây rừng nêu trên, xác định đây là điểm nóng cho nên ngày 23/10 BQL Khu BTTN Tà Cú đã thành lập chốt truy quét tại tiểu khu 302A. Đồng thời, Khu BTTN Tà Cú có công văn cùng ngày gửi đến HKL Hàm Thuận Nam và UBND xã Tân Thuận đề nghị tăng cường lực lượng, phối hợp thực hiện công tác truy quét bảo vệ rừng trên địa bàn xã Tân Thuận. Đối với khu vực còn lại do phóng viên phản ánh, chỉ dẫn thì vào ngày 5/11, đơn vị mở rộng kiểm tra đã phát hiện khu vực này và đã lập hồ sơ ban đầu. Qua xem xét tại hiện trường thì khu vực này bị chặt phá vào cùng thời điểm các khu vực nêu trên.

                
   
Thân cây bị chặt hạ còn nằm tại gốc.

 Do tin đồn tách tiểu khu 302A

Theo ông Phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng tại khu vực này xảy ra nhiều trong thời gian gần đây là do có tin đồn tách tiểu khu 302A ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Cho nên, một số đối tượng tập trung vào khu vực rẫy cũ mua bán sang nhượng, dẫn đến nhu cầu về đất tăng. Từ đó một số đối tượng đã lén lút vào phá rừng, lấn chiếm đất trong Khu BTTN Tà Cú. Trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị đang bị thiếu trầm trọng, chỉ còn 9 người bảo vệ trên 10.530 ha rừng. Trước tình hình trên, BQL Khu BTTN Tà Cú mong muốn các cấp có thẩm quyền tăng cường lực lượng cho đơn vị đủ biên chế theo quy định. Các đơn vị hữu quan và chính quyền các cấp hỗ trợ đơn vị trong việc truy tìm và xử lý nghiêm các đối tượng để răn đe, phòng ngừa chung.

Về phía HKL Hàm Thuận Nam, ông Lê Bá Tình - Phó Hạt trưởng, cho biết: Sau khi nhận báo cáo từ Kiểm lâm địa bàn xã Tân Thuận và văn bản đề nghị của Khu BTTN Tà Cú, lãnh đạo HKL Hàm Thuận Nam đã chỉ đạo Tổ cơ động phối hợp với Kiểm lâm địa bàn xã Tân Thuận, chính quyền xã và đơn vị chủ rừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình phá rừng trên địa bàn xã Tân Thuận. Đến nay, tại khu vực Láng Mã, thôn Hiệp Nhơn, xã Tân Thuận thuộc tiểu khu 302A của BQL Khu BTTN Tà Cú, HKL Hàm Thuận Nam đã tiếp nhận 3 hồ sơ từ đơn vị chủ rừng, đang kiểm tra, xác minh đối tượng để xử lý theo quy định.

Đối với 1 hồ sơ do BQL Khu BTTN Tà Cú lập vào ngày 5/11, HKL Hàm Thuận Nam đã nắm thông tin vào ngày 6/11. Đồng thời nhận được giấy mời của Chi cục Kiểm lâm, cho nên lãnh đạo HKL phân công Tổ cơ động và kỹ thuật cùng Kiểm lâm địa bàn phối hợp với đoàn của chi cục kiểm tra vào ngày 7/11. Trong thời gian đến, HKL Hàm Thuận Nam tiếp tục chỉ đạo Tổ cơ động phối hợp với Kiểm lâm địa bàn xã Tân Thuận, chính quyền xã và đơn vị chủ rừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình phá rừng trên địa bàn xã Tân Thuận. Đối với các vụ việc đã lập hồ sơ, Hạt sẽ tổ chức việc xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá rừng.

Về phía chính quyền xã, ông Nguyễn Ngọc Loan - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận cho biết: Trong thời gian qua, UBND xã Tân Thuận đã quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa giới hành chính của xã. Sau khi xảy ra tình hình san ủi rẫy cũ, chặt phá cây rừng tại khu vực Láng Mã, thôn Hiệp Nhơn, xã đã chỉ đạo cán bộ lâm nghiệp xã, công an xã, Kiểm lâm địa bàn phối hợp với Trạm Bảo vệ rừng Tân Thuận để kiểm tra, truy tìm đối tượng vi phạm. Mặt khác, xã cũng đã dùng phương tiện loa công cộng tuyên truyền trong nhân dân không được phá, lấn chiếm đất khu BTTN Tà Cú. Theo ông Loan, nguyên nhân xảy ra tình hình trên là do trong thời gian gần đây, Phòng Tài nguyên - Môi trường đang tổ chức đo đạc đất đã đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định 674 và 714 tại khu vực này. Chính vì vậy, một số đối tượng đã vào mua bán, sang nhượng gây tình hình phức tạp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, lấn chiếm đất đai.

Xử lý nghiêm đối tượng phá rừng

Ông Huỳnh Hiếu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Qua kiểm tra xác minh hiện trường, chúng tôi xác định, khu vực bị phá rừng mà Báo Bình Thuận phản ánh nằm trong tiểu khu 302A. Thời điểm này, BQL khu BTTN Tà Cú đã lập hồ sơ, hiện đang theo dõi, phục bắt đối tượng phá rừng. Trong thời gian đến, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị BQL Khu BTTN Tà Cú có kế hoạch tăng cường lực lượng, phối hợp với các đơn vị hữu quan và chính quyền xã để bảo vệ tốt diện tích rừng được giao. Đồng thời yêu cầu HKL Hàm Thuận Nam có trách nhiệm chỉ đạo Tổ cơ động phối hợp với Kiểm lâm địa bàn xã Tân Thuận, chính quyền xã và đơn vị chủ rừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Tân Thuận. Đối với các vụ việc đã lập hồ sơ, yêu cầu HKL Hàm Thuận Nam phải tổ chức việc xác minh và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phá rừng.

                
   
Có gốc đã nảy chồi.

Ông Hiếu cũng kiến nghị UBND huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo cho Công an huyện và UBND xã Tân Thuận để điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chặt phá cây rừng, lấn, chiếm đất rừng của Khu BTTN Tà Cú nhằm phòng ngừa tội phạm chung. Riêng UBND xã Tân Thuận cần có kế hoạch tổ chức cho các hộ dân đang canh tác ven rừng, học tập và cam kết không được phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp. Đồng thời, phát động phong trào trong nhân dân để tố giác tội phạm, phản ánh kịp thời các đối tượng có hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng trên địa giới hành chính mà xã quản lý.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viết tiếp bài “Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú: Tái diễn tình trạng dân phá rừng trồng thanh long”: