Theo dõi trên

Tiến hành quy hoạch khoáng sản thông thường

14/11/2017, 14:06 - Lượt đọc: 6

BTO - UBND tỉnh vừa phê duyệt và công khai quy hoạch giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đồng thời quản lý, sử dụng bền vững nguồn khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh trong tương lai. Ngoài ra, nếu làm tốt quy hoạch sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép.

         

Từ bất cập trong cấp phép

    
      Ông   Nguyễn Văn Húy – Chủ tịch UBND huyện Đức Linh nhận định: “với trữ lượng   quy hoạch ở kỳ 2016 – 2020 đã đáp ứng đủ nhu cầu ở địa phương. Vấn đề   còn lại là phải tổ chức cấp phép khai thác để kịp thời phục vụ nhu cầu   cần phải được quan tâm vì quy định cấp phép rất khắt khe, nhất là thời   gian”.

Thời gian gần đây, xã Gia An, huyện Tánh Linh là một trong những địa phương “nóng” nhất tỉnh về tình hình khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhu cầu nguồn khoáng sản trên quá lớn so với nguồn cung cấp. Đơn cử về nguồn sét phục vụ các lò gạch ngói trên địa bàn thời gian qua khá “hiếm” trong khi đó nhu cầu phục vụ cho 14 cơ sở sản xuất gạch ngói với công suất 18 triệu viên/năm tại địa phương là rất lớn. Để đủ nguyên liệu cho các cơ sở này hoạt động thì cần phải có tổng trữ lượng gần 6.200.000 m3 sét, tương đương diện tích mỏ khoảng 240 ha. Trong khi đó, những năm trước đây, chỉ duy nhất 1 đơn vị được cấp phép khai thác sét. Ông Hoàng Trung Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Gia An, huyện Tánh Linh cho biết: “Trong những năm trước đây, việc cấp phép để các đơn vị khai thác nguyên liệu sét cung cấp làng nghề gạch ngói hoffman rất  chậm và chỉ 1 đơn vị được cấp phép nên xảy ta tình trạng khai thác trái phép”. Thực hiện đúng chủ trương chuyển đổi từ lò thủ công sang lò hoffman thì từng doanh nghiệp ở địa phương cũng có xin nguồn nguyên liệu để đảm bảo được sự tồn tại của lò gạch. Liên quan đến những bất cập trong tiếp cận giấy phép khai thác khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng, ông Phạm Xuân Kiều – Giám đốc Công ty TNHH Thuận Kiều cho biết: “về quy trình xin phép tất cả các doanh nghiệp đều phải chấp hành nhưng vì thời gian xin cấp phép còn nhiều bất cập trong khi doanh nghiệp không rành về thủ tục. Bên cạnh đó, đó diện tích quy hoạch nguyên liệu sét ở địa phương còn vướng quy hoạch đất lúa”. Ngoài ra, việc cấp phép khai thác cát xây dựng trong thời gian qua tại các địa phương còn hạn chế so với nhu cầu thực tế trong nhân dân đã khiến tình trạng khai thác trái phép vẫn còn xảy ra.

Đến giải pháp quản lý

Để tháo gỡ vấn đề trên, ngày 31/08/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2536, về Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Trong kỳ quy hoạch này, toàn tỉnh có hơn 515 ha cát xây dựng (trữ lượng phê duyệt khai thác trên 13 triệu m3), đá xây dựng hơn 744 ha (trữ lượng trên 253 triệu m3), sét gạch ngói hơn 700 ha (trữ lượng trên 31 triệu m2) và vật liệu san lấp hơn 144 ha (trữ lượng hơn 6,6 triệu m3). “Trước khi đề xuất quy hoạch địa phương đã rà soát rất kỹ, các vị trí, diện tích, trữ lượng đưa vào quy hoạch đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện sẽ kêu gọi đầu tư đúng quy trình trong khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt về nguồn khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng hiện nay” – ông Phạm Ly Kha – Phó trưởng phòng, Phòng TNMT Tánh Linh cho biết.

Điểm mới trong quy hoạch khoáng sản thông thường

Được biết, quy hoạch của UBND tỉnh đã phê duyệt 1 số diện tích khai thác khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng cho các địa phương không thông qua đấu giá quyền khai thác. Việc quy hoạch khai thác, dự trữ nguồn vật liệu trên sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân Bình Thuận trong thời gian tới. “Trong quy hoạch đợt này, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là việc đổi mới công khai quy hoạch. Theo quy định có rất nhiều hình thức công khai, tuy nhiên đợt này triển khai rất toàn diện ở tất cả các cấp, từ cấp tỉnh tới cấp xã với hình thức, nội dung phù hợp để tổ chức, cá nhân và nhân dân nắm bắt được thông tin. Trong điều kiện pháp luật cho phép nếu kinh phí địa phương đảm bảo chúng ta sẽ tiến hành cắm mốc những khu vực quy hoạch để nhân dân có thể quản lý được” - ông Trần Hữu Thành – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết.

Ánh Dương



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiến hành quy hoạch khoáng sản thông thường