Theo dõi trên

Sở Nông nghiệp và PTNT phản hồi về bài báo “Bức tử rừng nguyên sinh”

20/04/2018, 16:07

BTO- Trong báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đăng trên Báo Bình Thuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Nội dung bài báo phản ánh là có, nhưng bị tác động qua nhiều năm, mức độ không nghiêm trọng. Tiếp thu phản ánh của Báo Bình Thuận, Sở đã chỉ đạo kiểm tra, nhanh chóng xác minh đối tượng vi phạm để xử lý, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan…

                
   
      Rừng ở khu vực thác Đầu Trâu (ảnh Trần Minh)

 Đất rừng liên tục bị lấn chiếm

 Theo kết quả xác minh, khu vực mà bài báo phản ánh thuộc tiểu khu 319, là rừng sản xuất, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Trị An quản lý. Tại tọa độ VN 2000 BT có 1 cây gỗ tạp bị cưa hạ nằm cạnh bìa rừng, đường kính bình quân 47 cm, dài 11 m, khối lượng ước khoảng 1,907m3, gỗ đã bị lấy hết khỏi hiện trường; thời điểm bị khai thác khoảng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Phần diện tích tại khu vực thác Trượt đã được đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng từ năm 2010 và được cấp sổ đỏ.

Tại khu vực thác Đầu Trâu có việc người dân lén lút phát dọn dây leo, bụi rậm để trồng trĩa hoa màu dưới tán rừng. Đến năm 2002, khi dự án giao khoán đất theo Nghị định 01 của Chính phủ triển khai thì khu vực này đã bị phá và tác động dưới tán rừng. Những năm tiếp theo, người dân vẫn lén lút phát dọn cây tái sinh, cây bụi rậm dưới tán rừng, đồng thời dùng thuốc diệt cỏ, đục lỗ vào thân cây hoặc vạc vỏ xung quanh gốc (ken cây) cho cây tự chết. Sau khi cây chết, người dân tiến hành chặt hạ mỗi năm một ít để trồng trĩa hoa màu. Bước đầu xác định có khoảng 3.272 m2 bị lấn chiếm từ nhiều năm trước, 790 m2 đất có hiện trạng tre le, cây bụi mới bị phát dọn.

Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Trị An, mỗi năm đơn vị đều lập kế hoạch nhổ bỏ cây trồng trên đất lấn chiếm (năm 2016 nhổ bỏ gần 51.000 m2, năm 2017 nhổ bỏ hơn 13.000 m2). Đồng thời yêu cầu các hộ dân làm cam kết không phá rừng, không lấn chiếm đất lâm nghiệp nhưng việc lấn chiếm đất rừng vẫn tái diễn.

                
   
      Đất lâm nghiệp bị lấn chiếm (ảnh Trần Minh)

Qua kiểm tra cũng phát hiện tại thác Đầu Trâu có 64 cây bị vạc vỏ từ lâu, 8 cây mới bị vạc vỏ, hai bên thác có 34 bị ngã đổ do người dân đốt gốc, chặt hạ bằng búa, rìu. Đơn vị chủ rừng cho rằng, do lực lượng mỏng, việc kiểm tra chủ yếu tập trung vào những vùng giáp ranh nên công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa chặt chẽ, việc lập hồ sơ để xử lý đối tượng vi phạm vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.

 Thiết lập vành đai, phục hồi lại rừng

 Để chấn chỉnh tình hình trên và tránh diễn biến phức tạp, ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Tánh Linh thụ lý hồ sơ vi phạm do Ban Quản lý rừng phòng hộ Trị An chuyển; phối hợp với Công an huyện Tánh Linh, UBND xã Đức Phú khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định. Yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Trị An tăng cường lực lượng ứng trực; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý hành vi phá rừng, khai thác, ken cây rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

                
   
      Một cây rừng bị “xẻ thịt” cạnh thác Đầu Trâu (ảnh Trần Minh)

Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm quản lý rừng tận gốc đối với tập thể và cá nhân được phân công quản lý rừng tại khu vực này vì đã không báo cáo, phản ánh kịp thời. Đối với diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại khu vực thác Đầu Trâu, yêu cầu đơn vị chủ rừng phối hợp với chính quyền địa phương lập hồ sơ xử lý theo quy định, đồng thời nghiên cứu tham mưu thiết lập một vành đai và phục hồi lại diện tích rừng.

 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND huyện Tánh Linh chỉ đạo Công an huyện phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc điều tra, xác định đối tượng chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng. Cùng với đó, tổ chức đo đạc diện tích đất thực của các hộ dân có đất canh tác giáp với khu vực rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Trị An quản lý, để làm sơ sở xử lý vi phạm.

                
   
      Tại tiểu khu 319 vẫn còn nhiều cây cao lớn, cần được bảo vệ (ảnh    Trần Minh)

Trước đó (ngày 3/4/2018), Báo Bình Thuận có bài “Bức tử rừng nguyên sinh”. Bài báo phản ánh tình trạng ken cây, lấn chiếm đất lâm nghiệp, triệt hạ cây rừng tại khu vực thác Trượt và thác Đầu Trâu (thuộc địa giới hành chính xã Đức Phú, huyện Tánh Linh) khiến cảnh quan môi trường, hệ sinh thái rừng bị thay đổi. Sau khi bài báo được đăng tải, UBND tỉnh và UBND huyện Tánh Linh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh làm rõ.

LÊ PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở Nông nghiệp và PTNT phản hồi về bài báo “Bức tử rừng nguyên sinh”