Theo dõi trên

Rừng giáp ranh Bắc Bình vẫn “nóng”

21/09/2017, 08:22

BT- Mặc dù công tác kiểm tra, truy quét, ngăn chặn phá rừng được tổ chức thường xuyên, liên tục nhưng tình hình khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Bắc Bình vẫn diễn biến rất phức tạp.

                
   Hiện trường một cây dầu bị lâm tặc chặt    phá tại tiểu khu 73B thuộc xã Phan Lâm.

Ngay từ đầu năm, huyện Bắc Bình đã chủ động phân công, tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét ở các tuyến đường rừng, các khu vực dân cư trọng điểm và vùng rừng giáp ranh với huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Bố trí lực lượng tại chỗ, hỗ trợ kịp thời hoạt động bảo vệ, chống phá rừng, tập kết các tuyến đường vận chuyển lâm sản trái phép, tập trung tại các khu vực trọng điểm thuộc địa bàn các xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến. Qua đó, 9 tháng năm 2017 đã phát hiện 13 trường hợp người dân phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm nương rẫy trái phép, 113 vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng, chủ yếu là khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, trong đó đã xử phạt hành chính 99 vụ, khởi tố hình sự 14 vụ (tăng 13 vụ so với cùng kỳ), tịch thu 99,6 m³ gỗ tròn, 94,6 m³ gỗ xẻ, 250 kg than hầm, 2 chiếc xe bò, 11 chiếc xe máy, 30 cưa máy... thu nộp ngân sách gần 700 triệu đồng.

Ông Trần Đình Cẩn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Bình cho biết: Vùng giáp ranh của huyện Bắc Bình với các huyện Di Linh và Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có chiều dài khoảng 60 km (22 tiểu khu) thuộc ba đơn vị chủ rừng quản lý. Những năm gần đây, tình hình khai thác rừng lấy gỗ trái phép diễn biến hết sức phức tạp, nhất là trên lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy (BQLRPH). Điển hình như trường hợp gần đây, tại tiểu khu 73B thuộc xã Phan Lâm, qua kiểm tra, đã phát hiện có 7 cây dầu bị chặt phá với tổng khối lượng 35 m³ gỗ tròn. Hiện các cơ quan chức năng của huyện Bắc Bình đang củng cố hồ sơ để tiến hành khởi tố vụ án, điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tại vùng giáp ranh với các xã Ninh Loan, Đà Loan của huyện Đức Trọng, tình hình khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, phá rừng, lấn chiếm rừng trồng cây cà phê vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Các đối tượng phá rừng chủ yếu là công dân ngoài huyện với tính chất liều lĩnh, manh động, thường xuyên chống đối, hăm dọa khi bị lực lượng bảo vệ rừng kiểm tra, phát hiện. Lợi dụng địa hình phức tạp và đêm khuya để tẩu tán tang vật gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ rừng.

Theo đánh giá của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Bắc Bình, do đặc điểm địa bàn rộng, lực lượng bảo vệ rừng mỏng nên không thể kiểm tra thường xuyên, triệt để và ngăn chặn kịp thời nên các vụ việc vi phạm, khi phát hiện lập hồ sơ xử lý đa phần không xác định được chủ sở hữu. Bên cạnh đó, tiến độ khởi tố, điều tra, xử lý các vụ án hình sự liên quan đến khai thác rừng còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu giáo dục, răn đe kịp thời nhằm mục đích phòng ngừa chung các vi phạm trên lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng. Ngoài ra, công tác phối hợp trong kiểm tra, triệt phá các đối tượng cầm đầu, băng nhóm phá rừng còn nhiều hạn chế, thiếu các điều kiện cần thiết để trấn áp, ngăn ngừa hành vi chống người thi hành công vụ và thu giữ tang vật vi phạm.

K.Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rừng giáp ranh Bắc Bình vẫn “nóng”