Theo dõi trên

Phá đường dây lừa đảo chạy sổ đỏ

13/07/2020, 09:57

 BT- Bằng chiêu bài mạo danh các cơ quan chức năng, nhằm tạo lòng tin với khách hàng của mình… Chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng đã thực hiện được nhiều hợp đồng tách thửa, cấp sổ đỏ với trị giá đến hơn 2 tỷ đồng, nhận tiền cọc hàng trăm triệu đồng để tiêu xài cá nhân.

 Từ “cò” đất sang “cò” sổ đỏ

Năm 2018, cơn “sốt” đất tại TP. Phan Thiết đã diễn ra, lúc này nhóm thanh niên gồm Trần Ngọc Ph., Huỳnh  Minh H., Bùi Thanh T. rủ nhau cùng làm nghề môi giới bất động sản để hưởng hoa hồng kiếm thêm thu nhập. Đến đầu năm 2020, bà N.T.B, trú tại xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, là mẹ ruột của Bùi Thanh T. có nhu cầu lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhanh (đã có giấy hẹn) nên Ph. đã nhờ Dương Phương T., trú tại xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết giúp đỡ. Tuyền lại tiếp tục nhờ Phan Chính Đ., trú tại xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc giúp đỡ.

Sau khi nhận sổ đỏ đúng như mong muốn, bà N.T.B đã đưa cho Ph. 40 triệu đồng để trả tiền chi phí. Số tiền này sau đó Ph. đưa cho T. 27,5 triệu đồng, còn Ph. hưởng 12,5 triệu đồng; T. chia lại cho Đ. 12 triệu đồng trong tổng số tiền mình đã nhận.

Chính từ “phi vụ” đầu tiên tương đối suôn sẻ, nhận thấy T. có khả năng làm nhanh việc cấp sổ đỏ nên nhóm thanh niên Ph., H., T. bàn bạc với nhau nhận thêm dịch vụ tách thửa, xin cấp sổ đỏ… Để công việc có sự chỉ đạo, điều hành được trơn tru, nhóm này sau đó phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách lĩnh vực hoạt động riêng.

Ngoài “quảng cáo” dịch vụ của mình trên các trang mạng xã hội facebook, zalo… thì Huỳnh Minh H. có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng, trực tiếp liên hệ, thỏa thuận giá cả, làm hợp đồng với khách; Trần Ngọc Ph. có nhiệm vụ nhờ người làm thủ tục tách thửa, cấp sổ đỏ;  đối với Bùi Thanh T. có nhiệm vụ ghi các hợp đồng, cất giữ hồ sơ và theo dõi “tài chính” hoạt động của nhóm. Khi có hợp đồng, chỉ có H. và khách hàng ký tên trên hợp đồng.

Giá dịch vụ mà nhóm này đưa ra để tách một thửa là từ 35 - 40 triệu đồng, còn cấp sổ đỏ thì tùy thuộc vào diện tích, giá trị đất để thỏa thuận. Sau khi tìm kiếm được khách hàng, thông qua việc quảng bá trên mạng xã hội, nhóm này giới thiệu mình làm việc trong các cơ quan Nhà nước như: Bộ Công an, Sở Tài nguyên và Môi trường… Để tạo lòng tin “tuyệt đối” với khách hàng, trên xe ô tô của nhóm luôn có nón công an để khách hàng càng dễ “mắc bẫy” hơn. Khi thống nhất giá cả xong, nhóm này dẫn khách hàng đến văn phòng công chứng (ở phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết) để làm giấy ủy quyền cho Phan Chính Đ. và nhận tiền cọc. Với hình thức hoạt động trên, từ đầu năm 2020 đến nay, nhóm Ph., H., T. đã nhận hồ sơ xin tách thửa và cấp sổ đỏ cho 10 trường hợp.

 Tiền mất “đất nằm im”

Chỉ chưa đầy 3 tháng hoạt động (tháng 2 - 4/2020), nhóm của Ph. đã ký hợp đồng đặt cọc với 10 khách hàng của mình, có tổng giá trị hợp đồng hơn 2,2 tỷ đồng, đã nhận tiền đặt cọc hơn  571 triệu đồng, trong đó, riêng Trần Ngọc Ph. đã nhận 305 triệu đồng.

Trong số các hợp đồng của nhóm này thực hiện, tổng giá trị mỗi hợp đồng dao động thấp nhất là hơn 30 triệu đồng, cao nhất đến hơn 1 tỷ đồng/1 hợp đồng. Cụ thể tại hợp đồng mà nhóm này thực hiện đầu tiên cho khách hàng Đ.V.T vào ngày 17/2/2020, với nội dung hợp đồng: Tách thửa đất tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, tổng giá trị hợp đồng là hơn 1,2 tỷ đồng, nhóm này đã nhận trước 124 triệu đồng. Sau đó, Ph. lấy 80 triệu đồng để lo hồ sơ, số tiền còn lại cả 3 chia nhau tiêu xài cá nhân, chi phí thuê xe và ăn nhậu. Nhóm đối tượng tiếp tục thực hiện ký 9 hợp đồng tiếp theo cũng cùng thủ đoạn trên. Sau khi ký hợp đồng với khách hàng, nhóm của Ph. không hề nộp hồ sơ hay bất kỳ một hoạt động nào liên quan đến những hồ sơ đã nhận tiền cọc trên.

Trước cơ quan điều tra, Ph. khai nhận trong 10 hồ sơ thì chỉ có 2 hồ sơ Ph. nhờ Dương Phương T. làm nhưng sau 2 tuần “nghiên cứu”, T. đã từ chối vì khó. Còn 8 hồ sơ còn lại Ph. không có bất kỳ động thái gì để làm sổ cho khách hàng. Dù biết chắc chắn không thể thực hiện việc tách sổ, cấp sổ cho khách hàng theo hợp đồng nhưng Ph. vẫn nhận tiền cọc để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Từ những hành vi, cách thức hoạt động cùng các tài liệu, chứng cứ thu thập được kết hợp với lời khai nhận của các đối tượng, bị hại... đủ cơ sở để khẳng định hành vi của Trần Ngọc Ph. đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174  Bộ luật Hình sự.

Trước vụ việc trên, cũng là lời cảnh báo người dân trong việc giao dịch các hợp đồng liên quan đến đất đai cần tỉnh táo, không để đối tượng xấu lợi dụng lòng tin chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, kịp thời cung cấp thông tin đến cơ quan chức năng khi phát hiện đối tượng xấu có hành vi lừa đảo liên quan đến các hoạt động đất đai như trên.

H.C



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phá đường dây lừa đảo chạy sổ đỏ