Theo dõi trên

Nhiều doanh nghiệp titan vi phạm hoạt động khai thác

14/08/2018, 09:16 - Lượt đọc: 468

BT- Trên khu vực rộng lớn Long Sơn - Suối Nước, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, dự án đầu tư xây dựng khai thác tuyển quặng sa khoáng titan - zircon của Công ty TNHH Phú Hiệp với tổng diện tích 807 ha, công suất 213.000 tấn/năm, thời hạn hoạt động 12 năm. Dự án đồ sộ này lâu nay được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm về việc doanh nghiệp (DN) có đảm bảo tuần hoàn nước triệt để trong quá trình tuyển quặng, nguồn nước sử dụng lâu dài ở đâu từ khu vực khô hạn này...

                
Công ty Phú Hiệp lén lút khai thác titan    thời gian dài.

Ông Nguyễn Toàn Thiện, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh khóa X đã phản ánh tại kỳ họp thứ 6 rằng, Công ty Phú Hiệp sử dụng nước ngầm khai thác, dây chuyền tuyển quặng không có lớp chống thấm lót đáy ở khu vực thu gom, xử lý nước thải tại các quặng; nước tại các moong khai thác một phần bốc hơi, phần thấm xuống đất, ô nhiễm.

Thực tế Tổng cục Môi trường qua đợt kiểm tra cách đây chưa lâu đã kết luận “tại 4 moong khai thác của DN trên cùng các bãi thải đều không có lớp lót đáy nhằm thu gom, xử lý nước thải, dẫn đến một phần nước thải ở các moong thẩm thấu xuống đất và nước ngầm. Doanh nghiệp xây xưởng tuyển tinh quặng sa khoáng trên khuôn viên 2 ha không có hồ sơ về môi trường được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Nước sử dụng khai thác quặng lấy từ nước ngầm nhưng công ty chưa có giấy phép khai thác nước dưới đất. Doanh nghiệp này xây khu lưu trữ chất thải nguy hại (CTNH), nhưng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định: chưa có rãnh thu gom, xử lý nước chảy tràn; chưa có thiết bị phòng chống sự cố do CTNH gây ra; để CTNH vương vãi ra môi trường đất, nước.

Đặc biệt, về công tác bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản có chứa tính phóng xạ, DN không có (biển báo, kho lưu chứa titan, các thiết bị phóng xạ; hệ thống xử lý nước thải quặng; lớp lót đáy nhằm thu gom, xử lý nước tại các bãi quặng, bãi chứa quặng, kho chứa titan)… Tương tự, Công ty TNHH Đức Cảnh được cấp phép khai thác diện tích 64,5 ha tại khu vực Thiện Ái 2, xã Hòa thắng, huyện Bắc Bình; trữ lượng 44.617 tấn, thời gian 14,5 năm. Sau khi khai thác được khoảng 11 ha, công ty vi phạm về thiết kế khai thác, không thực hiện đúng nội dung báo cáo ĐTM… UBND tỉnh đã yêu cầu các DN dừng hoạt động, khắc phục các tồn tại, nếu đủ điều kiện mới cho phép khai thác trở lại.

Trong quá trình khắc phục không bao lâu, các DN lại tiếp tục vi phạm. Điển hình, Công ty Phú Hiệp báo cáo do giá bán titan giảm mạnh đã tạm ngưng hoạt động thời gian dài, nhưng đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên & Môi trường mới đây chỉ rõ DN này vẫn mở vài moong khai thác, khoan giếng lấy nước ngầm tuyển quặng titan, trong khi chưa có giấy phép khai thác nước dưới đất. Còn Công ty TNHH Thương mại Đức Cảnh khai thác ra ngoài diện tích cho phép gần 1.500 m2, với độ dốc bờ moong 50 độ, khối lượng thất thoát titan không nhỏ. Doanh nghiệp chưa cắm biển báo khu vực nguy cơ không an toàn lao động, vách dốc, đường điện; chưa triển khai nhà máy tuyển quặng… Cùng đó, Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn khai thác mỏ ở khu phố Long Sơn, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết chưa có giấy phép khai thác sử dụng các nguồn nước, chưa nộp tiền cấp quyền khai thác và nộp thuế tài nguyên; lập bản đồ hiện trạng khai thác không đúng thực tế. Công ty TNHH Tân Quang Cường với dự án mỏ titan Nam Suối Nhum, Hàm Thuận Nam, hiện tại chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt… Không chỉ vi phạm về thiết kế, bảo vệ môi trường, các chủ đầu tư còn nhiều sai phạm khác. Công ty CP Khoáng sản & Thương mại Sao Mai khai thác titan tại khu vực Thiện Ái (xã Hồng Phong và xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp phép khai thác khoáng sản, nhưng hơn một năm sau UBND Bình Thuận mới nhận được giấy phép này. Hiện tại Công ty Sao Mai cùng với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ & Sản xuất Tân Cẩm Xương (dự án khai thác titan tại xã Hòa Thắng, Bắc Bình) chưa thực hiện xây dựng cơ bản mỏ và làm tục thuê đất theo quy định…

Ngoài ra, các dự án khai thác titan đều có hồ chứa quặng thải, nước thải, hồ chứa nước (trữ nước bổ sung nước khai thác), hồ chứa nước tuần hoàn (hồ lắng trước khi tái sử dụng), nhưng thiết kế hồ cùng giải pháp đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường không thể hiện trong ĐTM. Đây là nguyên nhân dẫn đến các vụ vỡ hồ chứa nước, gây ra sự cố môi trường.

UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, bộ ngành liên quan kiểm tra thường xuyên các dự án đã cấp phép khai thác, xử lý kịp thời vi phạm. Riêng đối với dự án giai đoạn thăm dò, cần làm rõ nguồn nước sử dụng trước, rà soát kỹ báo cáo ĐTM… trước khi cấp giấy phép khai thác. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp sở, ngành chức năng tăng cường giám sát việc khai thác sử dụng nước phục vụ khai thác titan của các DN. Với các DN khai thác titan tự rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh thiết kế, nhu cầu sử dụng nước, khả năng cung cấp nước cho dự án, có phương án khai thác an toàn. Đồng thời DN thực hiện phục hồi môi trường đối với các khu vực mỏ đã kết thúc khai thác, theo đúng cam kết với tỉnh.

THÁI KHOA



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều doanh nghiệp titan vi phạm hoạt động khai thác