Theo dõi trên

Nghịch tử !

24/09/2018, 08:43

BT- Chuyện bắt đầu và kết thúc chóng vánh đến nỗi những người chứng kiến đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng...  

                
   Bị cáo Bi (trái) được đưa ra xe trở về    trại giam.

Nơi hàng ghế dự khán, những vẻ thất thần vẫn còn hiện rõ trên nét mặt họ hàng nội, ngoại dù sự việc đã hơn 3 tháng trôi qua. Ngoại của bị cáo với gương mặt nhăn nhúm, nhòe nhoẹt nước mắt cũng được người thân đưa đến dự kháng trong vai trò nhân chứng. Bà líu ríu tựa vào ghế như sợ sẽ ngã gục tại phiên xử. Không áo, cũng chẳng khăn tang nhưng gương mặt bà vẫn ảm đạm của hình hài tang tóc. Dường như bà không còn đủ tỉnh táo để trả lời những câu hỏi của hội đồng xét xử và phải cậy nhờ người con trai trưởng. Trong vụ án này, có lẽ người đau đớn nhất chính là bà, khi phải chứng kiến cảnh đứa cháu ruột đâm chết con gái mình ngay trong đám tang của chồng. 

Bi kịch xảy đến với gia đình bà Bùi Thị Trúc Linh (ngụ phường Tân An, thị xã La Gi) trong một ngày không thể buồn hơn, khi bà về xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân lo đáng tang cho cha. Lúc đó khoảng 23 giờ 30 phút ngày 4/6/2018, sau khi lễ cầu kinh cho đám tang kết thúc, mọi người ai nấy ra về, bà cùng một số người bà con ngồi lại trước sân nhà hàn huyên. Lúc này, con ruột của bà Linh là Bùi Lưu Bút Bi (SN 1998, ngụ khu phố 3,) từ trong nhà đi ra nói bà Linh cho mượn chìa khóa xe để đi mua thuốc lá về hút. Bà Linh không đưa mà nói: “Khuya rồi còn đi đâu nữa, thuốc còn lu bù trên bàn đó lấy mà hút”. Chuyện tưởng chừng chẳng có gì lớn lao lại vô tình làm bùng lên “lửa giận”. Bi bỏ vào trong nhà rồi dùng tay đập vào cửa sổ nhưng chưa hả được cơn tức, nghịch tử xuống bếp lấy một con dao cầm trên tay rồi hồng hộc xông ra đâm một nhát hướng từ trên xuống, trúng vào cổ bên phải của bà Linh, khiến bà tử vong trên đường đi cấp cứu.

Đứng ở bục khai báo dành cho bị cáo, Bi với gương mặt còn non nớt, bối rối trước những ánh nhìn xăm soi đầy phẫn nộ của mọi người xung quanh. Bi ấp úng: “Bị cáo muốn mượn xe đi mua thuốc nhưng mẹ không đồng ý. Lúc đó bị cáo không kiềm chế được, chỉ nghĩ đến việc phải làm sao cho hả giận… bị cáo không cố ý giết mẹ...”.

Nghe lời giải thích không hợp tình, vị chủ tọa nghiêm giọng: “Mẹ không đồng ý là vì lo lắng cho bị cáo, nhưng bị cáo lại có hành vi côn đồ, cư xử bạo lực với chính người đã mang nặng đẻ đau sinh ra mình. Nếu ai cũng vì nóng giận mà hành động như bị cáo thì trên đời này mấy ai còn mẹ...?”. Không gian phòng xử phút chốc đặc quánh, ngột ngạt đến đáng sợ bởi sự im lặng của bị cáo.

Giờ nghị án, người bà đáng thương lại đến ôm cháu khóc nghẹn, bà không hỏi thăm cũng không dặn dò thêm điều gì. Có lẽ bà không giận Bi, bởi trong mắt bà Bi vẫn còn là đứa cháu bé bỏng, tội nghiệp. Cha mẹ Bi ly hôn khi Bi còn rất nhỏ và người cha cũng bỏ đi biền biệt. Bi lớn lên không có tình thương và sự nuôi nấng trọn vẹn của cha mẹ, mà được bà nội thứ và bà ngoại ruột thay phiên nuôi dưỡng. Năm 13 tuổi, Bi về sống với mẹ và cha dượng, thế nhưng giữa hai mẹ con lại không thể hòa hợp, họ thường xuyên khắc khẩu, cãi vả. Đến năm 18 tuổi, Bi bỏ vào TP.HCM làm việc và hàng tháng gởi tiền về cho mẹ, thỉnh thoảng mới về thăm gia đình một lần. Có ai ngờ lần này, Bi trở về cũng là lúc tình cảm giữa hai mẹ con họ không còn cơ hội để hàn gắn...Trong vụ án này, bị cáo lĩnh án chung thân nhưng chắc chắn một điều những tháng ngày trong tù, cũng không thể nào gột rửa hết tội lỗi và đạo hiếu mà y đã gây ra.

Vụ án khiến tôi nhớ đến câu nói của Tiến sĩ Les Carter từng viết trong cuốn sách “Cái bẫy của cơn giận”:  “Người hay tức giận là người dễ bị tổn thương, lại dễ làm hỏng việc. Cơn giận trở thành cái bẫy giữ chặt, giam hãm họ vào bên trong khổ sở, đau đớn, oán thù…”. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra điều này. Để rồi lửa tàn cũng là lúc những giọt nước mắt hối hận tràn đầy, nhưng đã quá muộn màng…

Khánh CHI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghịch tử !