Theo dõi trên

Năm 2019: Nỗ lực ngăn chặn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp

14/02/2019, 09:30

BT- Những năm qua, diễn biến phá rừng trên địa bàn tỉnh hết sức phức tạp và phần lớn không truy cứu được trách nhiệm người gây thiệt hại. Trong năm 2018, cũng xảy ra nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp...  

Phá rừng tiếp diễn 

Trong năm 2018, tình hình phá rừng lấn chiếm đất nông nghiệp tiếp tục diễn biến phức tạp. Điển hình là các vụ phá rừng tại tiểu khu 72, xã Phan Sơn thuộc lâm phận Ban QLRPH Sông Lũy (Bắc Bình); vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại tiểu khu 167, xã Đa Mi, thuộc BQLRPH Hàm Thuận - Đa Mi quản lý; vụ phá rừng tại khu vực Kumagai thuộc xã Đa Mi; vụ vạt vỏ 49 cây gỗ rừng tự nhiên tại khu vực dọc đường ĐT 714 gần Cầu treo xã Đông Giang; Vụ phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (KBTTN).

                
   Hiện trường phá rừng tại Khu bảo tồn thiên    nhiên Tà Kóu. ảnh: Lê Phúc

Trong các vụ việc trên, vụ phá rừng ở KBTTN Tà Kóu hiện đang trong thời gian chờ kết quả điều tra của Công an. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. Cụ thể, tại Hạt Kiểm lâm đã kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể lãnh đạo Hạt; kiểm điểm rút kinh nghiệm đưa vào nội dung xếp loại cuối năm không hoàn thành nhiệm vụ đối với 2 công chức kiểm lâm địa bàn xã Tân Thuận và Tân Thành. Kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể lãnh đạo Ban quản lý KBTTN Tà Kóu; kỷ luật 2 viên chức, trong đó 1 cảnh cáo và 1 khiển trách; kiểm điểm rút kinh nghiệm, đưa vào nội dung xếp loại cuối năm là không hoàn thành nhiệm vụ đối với 2 trường hợp, trong đó 1 trạm trưởng và 2 viên chức Trạm Bảo vệ rừng Tân Thuận.

Đối với vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại tiểu khu 167, xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc), thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi, hiện vụ việc đã được khởi tố vụ án hình sự, Công an huyện Hàm Thuận Bắc đang thụ lý hồ sơ. Trong thời gian chờ kết quả điều tra, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. Theo đó, tại Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể lãnh đạo Hạt Kiểm lâm; kiểm điểm rút kinh nghiệm, đưa vào nội dung xếp loại cuối năm là chưa hoàn thành nhiệm vụ đối với 2 công chức kiểm lâm địa bàn xã. Kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi; kỷ luật 3 viên chức, trong đó 1 cách chức trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng, chuyển công tác làm nhân viên bảo vệ rừng và 2 khiển trách, (1 nhân viên Trạm Bảo vệ rừng và 1 chuyên viên phòng Kỹ thuật – QLBVR).  

Khó quản lý, ngăn chặn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tính chất phức tạp, khó khăn của công tác quản lý bảo vệ rừng, nên có lúc, có nơi vẫn diễn ra tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép hoặc lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép mà đối tượng vi phạm vẫn chưa được truy cứu, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Trong đó, về nguyên nhân khách quan, các khu vực trọng điểm phức tạp về phá rừng, khai thác lâm sản trái phép thường xảy ra ở những nơi có địa hình hiểm trở, xa xôi hẻo lánh, nên việc phát hiện, kiểm tra xử lý các đối tượng vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Gỗ và lâm sản quý hiếm hiện nay đang có giá trị lớn trên thị trường, nhu cầu ngày càng cao nên lâm tặc bất chấp các quy định pháp luật để khai thác, buôn bán kiếm lời. Đồng thời áp lực về dân số tăng nhanh, người dân địa phương (kể cả dân di cư tự do), đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu quỹ đất ở, đất sản xuất, nên đã phá rừng lấy đất hoặc xâm canh vào rừng.

 Những vụ việc phá rừng thường xảy ra vào ban đêm, xa khu dân cư, nhân chứng không có hoặc nếu có thì ít có sự hợp tác, dẫn đến quá trình thụ lý, điều tra thường kéo dài do phải kiểm tra hiện trường, củng cố chứng cứ. Ngoài ra khu vực giáp ranh trải rộng trên địa bàn lớn, có địa hình đồi núi, hiểm trở; nhiều diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng nằm gần kề diện tích rừng, nên lâm tặc thường lợi dụng việc xâm canh tại vùng giáp ranh để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Khi bị chủ rừng và các ngành chức năng phát hiện thì nhanh chóng di chuyển người và gỗ sang địa bàn thuộc địa phương khác, gây rất nhiều khó khăn trong xử lý các vụ vi phạm. Bên cạnh đó, việc phối hợp của tỉnh bạn đối với công tác quản lý, xử lý các đối tượng vi phạm, nhất là đối tượng cầm đầu; xử lý các loại xe ô tô, mô tô độ chế, hoán cải chưa chặt chẽ, quyết liệt vì địa phương tỉnh bạn thiếu tích cực.

Về nguyên nhân chủ quan, như thẩm quyền trong việc mời gọi, triệu tập người có liên quan để xác minh, điều tra, truy cứu đối tượng vi phạm phục vụ công tác xử lý vi phạm của chủ rừng và cơ quan kiểm lâm chưa được pháp luật quy định. Việc chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp huyện trong việc huy động các lực lượng trên địa bàn (công an, chính quyền cấp xã…) hỗ trợ cho cơ quan kiểm lâm, chủ rừng trong hoạt động kiểm tra, truy quét chống phá rừng và nhất là trong đấu tranh làm rõ đối tượng vi phạm chưa chặt chẽ, kịp thời. Đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế, trang bị công cụ còn thiếu và yếu trong khi phải đối mặt với các đối tượng phá rừng rất manh động và liều lĩnh, khi bị bắt giữ thường sử dụng hung khí (dao, rựa…) chống trả quyết liệt để chiếm đoạt lại tang vật vi phạm.

Kiểm điểm trách nhiệm trong năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT, chính quyền cấp huyện, cấp xã; lực lượng kiểm lâm và chủ rừng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm. Song với tính chất phức tạp, dự báo khó khăn của công tác quản lý bảo vệ rừng sẽ còn rất nhiều thách thức. Hy vọng năm 2019, với nỗ lực chung của các đơn vị, và tinh thần trách nhiệm của tổ chức, cá nhân công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp sẽ có những chuyển biến tích cực.

TrẦn HuỲnh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2019: Nỗ lực ngăn chặn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp