Theo dõi trên

Đời sống thị thành: Chơi hụi -  cảnh giác với sự lừa đảo

24/06/2016, 14:26

BT- Chơi hụi (huê, biêu…), là hình thức tín dụng dân gian, được nhiều  phụ nữ biết tới và lựa chọn.  Thế nhưng loại tín dụng này thường đi kèm với những rủi ro như giật, vỡ hụi, mà kỳ thực là nhiều chủ dây hụi đã lợi dụng lòng tin của người chơi để chiếm đoạt tiền bạc, đẩy  không ít người đến chỗ khốn khó, nợ nần, mất nhà cửa…

                
Người dân tập trung trước nhà chủ hụi đòi    lấy lại tiền đã chơi hụi. Ảnh minh họa

Xây dựng lòng tin

Các chủ hụi thường là bạn bè quen thân, là hàng xóm láng giềng… đầu tiên họ tổ chức vài dây hụi với số tiền góp hụi hàng tháng cũng không nhiều. Một thời gian sau, họ thường phô trương cho thiên hạ thấy “tiềm lực kinh tế” của mình như: nhà cửa, xe cộ, đồ trang sức đeo trên người, những bộ cánh hàng hiệu… Sau đó họ liên tục mở các dây hụi, huy động vốn vay với lãi suất cao và tạo uy tín cho những người chơi bằng cách trả lãi, thu hụi, chồng hụi đúng ngày một cách rất sòng phẳng. Nếu có ai đó đóng hụi lề mề, chủ hụi thường gồng giùm và những lần mở hụi sau cương quyết không cho những hội viên ấy vào. Vì vậy, các hội viên thường tin tưởng trao tiền cho các chủ hụi một cách tình nguyện mà không cần ghi giấy biên nhận nào cả.

 Những mánh khóe trục lợi

Những dây hụi đầu tiên các chủ hụi thường lập đầy đủ tên của các hụi viên, và trong quá trình chơi, chủ hụi thường rủ các hụi  viên mở thêm những dây hụi khác với lời chào vô cùng hấp dẫn về lãi suất. Thế rồi, lợi dụng lòng tin của mọi người, chủ hụi lập nhiều tên (hội viên ma) để những người tham gia chơi tưởng là dây hụi rất đông người chơi, chủ hụi rất được tin tưởng, chẳng lo gì mất!. Hàng tháng khi khui hụi, mọi người thường liên lạc (bỏ hụi) bằng điện thoại mà không tập trung tại nhà chủ hụi, bởi thế, có ai  trong tháng đó quyết định hốt thì chủ hụi với những tên hội viên ma sẽ bỏ cao lên, và người hốt dĩ nhiên sẽ là  chủ hụi. Thấy lời, mọi người  vui vẻ đóng hụi mà không biết rằng mình đang bị lừa.

 Xóm nhỏ tao tác

Không phải ai chơi hụi cũng khá giả, có người chơi hụi vì ham lời cao nhưng không ít người phải  chắt bóp từng đồng bạc để đóng hụi, bởi theo họ lý giải: “Không chơi hụi chẳng thể nào dành nổi tiền vì lúc nào mình cũng thấy túng thiếu”.

 Nhiều gia đình ở khu phố 3, phố 4 phường Tân An (thị xã La Gi)  hai tháng gần đây đang lâm vào cảnh khó vì vỡ hụi. Thay vì đi làm, họ tụ tập hỏi nhau xem có cách gì đòi lại tiền khi bà chủ hụi tên H tuyên bố bể nợ. Trong  số đó đáng kể nhất là bà Lành (đã đổi tên) một người đàn bà nghèo khổ, lam lũ... Từ mờ sáng, bà đã vào rẫy lượm phân bò về bán. Tổng số tiền dành dụm được hơn vài triệu đồng định góp thêm vào khoản mổ tim cho đứa cháu nhỏ, nhưng nay không còn vì chủ hụi không trả.

Tương tự, bà Huỳnh (đổi tên) ngoài 60 tuổi, hằng ngày vẫn đi bán vé số dành dụm từng đồng lấy tiền dưỡng già, tiền  lo hậu sự để khỏi phiền con cháu”. Nhưng rồi bà cũng bị mất tiền, không cách nào đòi lại được!

 Ai bảo vệ quyền lợi cho người chơi hụi?

Người dân ở khu phố 3 và 4 phường Tân An bức xúc đã làm đơn tố cáo lên Công an thị xã La Gi về hành vi chiếm đoạt tiền của bà H. Nhưng toàn bộ hồ sơ vụ án đã được chuyển qua tòa án để giải quyết dân sự.

Trả lời về vấn đề này, ông Vũ Xuân Tiếu, Phó trưởng Công an thị xã La Gi cho hay: “Bộ luật Dân sự quy định rõ hụi, họ là hình thức giao dịch dân sự hợp pháp về tài sản trên việc thỏa thuận của một nhóm người. Khi xảy ra tranh chấp thì được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc giải quyết tại tòa theo quy định của Luật Dân sự. Trường hợp chủ hụi thu tiền hụi mà bỏ trốn là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, người chơi hụi mới có thể tố cáo đến cơ quan công an điều tra đề nghị khởi tố vụ án hình sự”.

Phần lớn người chơi hụi dựa trên lòng tin của nhau nên không có giấy tờ để làm bằng chứng. Khi vụ việc vỡ lỡ thì quá muộn, các hội viên khó có cơ hội nhận lại số tiền đã đóng. Nếu có, phần được nhận lại cũng vô cùng ít ỏi bởi lúc này các chủ hụi thường không còn tài sản gì hết. Thực tế cho thấy, không phải vụ bể hụi nào cũng xử lý hình sự được.

 Các chủ hụi cũng nắm luật rất rõ, vì thế trước khi tuyên bố bể hụi. Các chủ hụi  tìm cách đối phó với pháp luật như âm thầm sang tên, chuyển nhượng tài sản cho người thân rồi sau đó sẵn sàng ghi giấy thừa nhận nợ mà không bỏ trốn khỏi địa phương. Chính điều này, pháp luật cũng “bó tay” bởi không thể quy cho họ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dù nợ với số tiền lớn cũng chỉ được giải quyết bằng vụ án tranh chấp dân sự, khi tòa án đưa ra hòa giải chủ hụi vẫn thừa nhận và cam kết với hội viên việc trả nợ. Theo quy định, tòa án phải ra quyết định công nhận hòa giải thành của các đương sự. Thế là, sau khi có quyết định hòa giải thành, các hội viên yêu cầu thi hành án thì chủ hụi tuyên bố không có tài sản để thi hành.

Chơi hụi giống chơi dao hai lưỡi, nếu không cẩn thận tiền mất tật mang, đôi khi là tan cửa nát nhà nên mọi người cần lưu ý để không biến mình thành nạn nhân bất đắc dĩ.

 Tuyết Phan



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đời sống thị thành: Chơi hụi -  cảnh giác với sự lừa đảo