Theo dõi trên

Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo

26/02/2020, 09:21

BT- Thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng với những phương thức, thủ đoạn khá tinh vi…

                
Trang facebook cá nhân của anh T bị đối    tượng sử dụng để lừa đảo người khác.

Ngày 7/2/2020, anh T.V.T, ngụ phường Phú Tài (TP. Phan Thiết) nhận được tin nhắn trên facebook từ một người lạ kèm đường link với nội dung nhờ bình chọn cho đứa cháu đang tham gia cuộc thi giọng hát Việt nhí. Thế nhưng, chỉ sau vài phút truy cập vào đường link, nhiều người đã điện thoại lại anh, xác nhận chuyện anh T hỏi mượn tiền qua mạng xã hội, lúc này anh mới biết trang facebook cá nhân của mình đã bị hack. Anh T cho biết, vì người nhắn tin mặc đồng phục ngành nên anh T mới tin tưởng vào bình chọn theo đường link. Dù vụ việc sớm được phát hiện, ngăn chặn nhưng một người bạn của anh đã chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho đối tượng 6 triệu đồng.

Công an tỉnh cho biết, loại tội phạm này thường hoạt động có tổ chức. Đối tượng chủ yếu lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, thẻ, mã OTP… thông qua các ứng dụng online, mã độc, các đường link, website giả mạo. Nhiều đối tượng còn dùng facebook, zalo, messenger gửi tin nhắn cho người thân, bạn bè để mượn tiền, mua vé máy bay, mua hàng. Đáng lưu ý, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn mạo danh cán bộ, nhân viên các ngành: viễn thông, điện lực, ngân hàng, cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, thanh tra… gọi điện yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra, thanh tra, kiểm tra, nhưng thực chất để chiếm đoạt tài sản. Được biết năm 2019, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện 8 vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó 5 vụ liên quan đến người nước ngoài (quốc tịch Nigieria, Liberia) và 3 vụ giả danh công an, viện kiểm sát để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng. Bước đầu, xác minh được 7 người Việt Nam (trú tại TP.HCM, Tiền Giang, Bình Dương, Hà Nội) là những người đứng tên chủ tài khoản ngân hàng để nhận tiền giúp 7 người nước ngoài với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng; tuyệt đối không tiết lộ mã pin thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email với người lạ. Đồng thời, cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng công an, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng, đối tượng giả mạo quen biết thông qua mạng xã hội. Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai, sử dụng tiền vào mục đích gì, không có giấy tờ từ cơ quan chức năng chứng minh mục đích, nội dung làm việc cụ thể.

Mặt khác, khi thực hiện giao dịch thẻ tại ATM, POS phải quan sát kỹ khe thẻ, nếu trên máy ATM có thiết bị lạ thì không nên giao dịch. Kiểm tra thông tin của các website khi thực hiện giao dịch trực tuyến, chỉ nên thực hiện giao dịch tại website uy tín, có độ bảo mật cao. Hạn chế sử dụng wifi công cộng để đăng nhập, thực hiện giao dịch trên hệ thống ngân hàng điện tử; thoát khỏi các dịch vụ và ứng dụng của ngân hàng liên kết với dịch vụ điện tử và các website thương mại điện tử ngay khi hoàn thành phiên giao dịch.

TẤN THÀNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo