Theo dõi trên

Cần kiểm soát “tín dụng đen” giữa dịch Covid-19

08/04/2020, 08:25 - Lượt đọc: 30

BT- Dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều hộ kinh doanh, buôn bán không còn khả năng trả lãi ngày cho những người cho vay nóng, một hình thức “tín dụng đen” vẫn còn âm ỉ trong đời sống. Không ít hộ hiện phải sống trong cảnh lo sợ vì bị đe dọa đòi nợ.  

                
   Trả tiền lãi suất hàng ngày.

Nỗi lo lãi “cắt cổ”

Nhiều hộ kinh doanh hàng quán lo lắng không biết xoay xở vào đâu để trả lãi cho khoản vay tín dụng đen. Những hộ này chủ yếu kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ ở các chợ, vỉa hè đường phố...điều kiện sống khó khăn, thiếu trước hụt sau. Khi hàng quán đóng cửa đồng nghĩa với việc không có khoản nào trang trải dẫn đến “lãi mẹ đẻ lãi con”. Chị N.T.N bán cà phê cóc ở góc phố đường Nguyễn Huệ, cho biết có những lúc thiếu tiền không vay mượn được ai, chị đi vay tiền nóng. Đầu tiên vay chỉ vài triệu đồng của người này, khi không có khả năng trả lãi chị lại vay của người khác, cứ vay chỗ này đắp chỗ kia, cho đến nay khoản nợ lên vài chục triệu đồng. Ngoài bán cà phê chị làm đủ thứ việc để có tiền trả lãi vay “tín dụng đen” và lo cho gia đình. Thời gian qua do ảnh hưởng dịch bệnh, không có khả năng trả nợ, chị đã đi năn nỉ chủ nợ ngừng trả. Tuy nhiên, không phải chủ nợ nào cũng tốt bụng, có người vẫn bắt chị phải trả. “Tôi năn nỉ họ để cho qua dịch này, nhưng họ không chịu, nên tôi phải nhờ đến công an...”, chị N. nói trong nước mắt.

Chị N. là một trong nhiều người đang vướng vào “tín dụng đen” mà chúng tôi biết trong quá trình đi tìm hiểu ở khu dân cư và các chợ, nhất là chợ Phan Thiết. Một thương lái chuyên bỏ mối hàng trái cây ở chợ nói với chúng tôi, qua đợt dịch này, nhiều người đổ nợ. Vì vay tiền ngân hàng còn có nhà nước bảo trợ giảm lãi suất, chứ vay tư nhân họ đâu có quan tâm đến thiên tai, dịch bệnh, cứ tới tháng, tới ngày là họ đến thu tiền lãi. Người nào nhân đạo thì họ thông cảm giảm lãi suất hoặc chỉ lấy tiền gốc, còn không thì chỉ có kiệt quệ.  

Vận động và động viên

 Người cho vay với lãi suất cao cũng có mà người cho vay lãi suất bằng lãi suất ngân hàng cũng nhiều. Điều đáng nói trong “thế giới ngầm” này, cả người cho vay và người đi vay đều giấu, vì nói ra sợ liên quan đến pháp luật và có sự ràng buộc lẫn nhau. Khi dịch Covid-19 bùng phát, việc kinh doanh buôn bán đình trệ thì vấn đề này đã nảy sinh nhiều bất cập. Người cho vay lo ngại người vay giật nợ, người vay không có tiền trả nợ do buôn bán ế ẩm lo ngại người cho vay đến đòi và đe dọa, áp lực nợ nần. Một thành viên trong ban chỉ đạo của một phường chia sẻ:đi vận động những hộ kinh doanh hàng quán, có những hộ họ chấp hành, nhưng cũng có hộ vận động rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Những hộ này đa phần có điều kiện kinh tế khó khăn, do nợ nần nhiều phải duy trì kinh doanh để trả nợ.

Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 phường Đức Nghĩa (Phan Thiết) đã ghi nhận nhiều phản ánh về tình trạng nợ nần liên quan “tín dụng đen” của các hộ kinh doanh. Có những tiểu thương ở chợ Phan Thiết đã khóc khi chia sẻ hoàn cảnh của mình, với mong muốn để được buôn bán có tiền trả nợ. Ông Đỗ Quốc Bảo – Chủ tịch phường Đức Nghĩa cho biết: “Cuộc sống của nhiều bà con trong phường cũng như ở chợ Phan Thiết rất khó khăn. Nhiều hộ xin Ban Chỉ đạo không đóng cửa, để kinh doanh có tiền trang trải nợ nần, nhưng chúng tôi cũng giải thích, vận động họ chấp hành”.

Tình hình dịch bệnh chưa biết khi nào dừng, và nó ảnh hưởng đến đời sống của người dân là rất rõ. Trong đó, vấn đề “tín dụng đen” trở nên phức tạp giữa người cho vay và người đi vay. Vì vậy, cần có sự kiểm soát chặt chẽ  và xử lý nghiêm của các ngành chức năng đối với hoạt động này.

N.C



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần kiểm soát “tín dụng đen” giữa dịch Covid-19