Theo dõi trên

“Bức tử” rừng nguyên sinh

03/04/2018, 09:07

BT- Bằng cách “ken” cây, tước vỏ… của con người, đã khiến hàng loạt vạt rừng nguyên sinh tươi tốt và những cây cổ thụ hàng chục năm tuổi bị chết khô. Qua thời gian, nhiều ha rừng dần bị “bức tử”, thay vào đó là diện tích nương rẫy của người dân…

                
Rừng nguyên sinh đang ngày càng thưa dần vì    bị xâm lấn.

 Tháng 3/2018, chúng tôi nhận được email của một bạn đọc gửi về với tựa đề “Xin hãy cứu những cánh rừng nguyên sinh”. Bạn đọc viết: “Khu vực thác Trượt và thác Đầu Trâu (xã Đức Phú, huyện Tánh Linh) - nơi có những cánh rừng nguyên sinh đã và đang bị các đối tượng triệt hạ để trồng cà phê, điều. Chứng kiến những cây hàng trăm năm tuổi chết đứng trong đau đớn mà lòng tôi thắt lại. Cứ đà này chỉ vài chục năm nữa thôi, con cháu chúng ta sẽ không còn biết rừng nguyên sinh như thế nào nữa…”. Đọc email, chúng tôi quyết định lên rừng tìm hiểu thực hư.

Từ trung tâm xã Đức Phú, được sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi men theo con đường đất đỏ vượt dốc đi sâu vào trong khu vực thác Trượt và thác Đầu Trâu. Cách thác Trượt chừng 5 phút đi bộ, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là nhiều cây cổ thụ đã bị chết trơ gốc từ lúc nào. Dưới những tán cây lớn còn sót lại, người dân không những đã trồng điều, cà phê tươi tốt mà còn lắp hẳn hệ thống tưới phun tự động để tưới cho cây trồng. Cách thác Trượt không xa, khu vực rừng nguyên sinh nơi đỉnh thác Đầu Trâu cũng bị xâm lấn nghiêm trọng. Tại đây, nhiều cây rừng cổ thụ đã bị các đối tượng lột vỏ, “ken cây” (cố ý dùng rựa, rìu đẽo quanh gốc hoặc đổ nhớt vào thân cây cho cây kiệt sức rồi chết dần).

                
Cây rừng bị triệt hạ không thương tiếc.

Anh N.P - người dân địa phương cho biết: “Mấy năm trước, khu vực rừng quanh 2 ngọn thác được cây rừng bao phủ toàn bộ, thì nay đang dần bị lấn chiếm, nhường chỗ cho diện tích điều, cà phê”. Theo chỉ dẫn của người dân, từ thác Đầu Trâu, chúng tôi tiếp tục băng qua các sườn đồi, và rồi lại chứng kiến cảnh cây rừng bị triệt hạ nghiêm trọng không kém. Sát khu vực rẫy của người dân, có nhiều cây rừng bị cưa hạ nằm ngổn ngang, cây lớn thì bị “xẻ thịt” lấy gỗ, mùn cưa và những bìa gỗ rừng nằm chồng chéo lên nhau. Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng đốn hạ cây để lấy gỗ khu vực đỉnh thác Đầu Trâu có thể xảy ra khoảng trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, bởi lá vẫn còn trên cây, dấu cưa vẫn còn mới.

 Ngược về bên phải đỉnh thác Đầu Trâu, anh T.T (người dân xã Đức Phú) chỉ tay về phía vạt rừng đã chết, bức xúc: “Mấy anh nhìn xem, cà phê này mới được trồng thôi. Ai cho phép người dân trồng cà phê trên đất rừng nguyên sinh? Họ lấn chiếm đất rừng tinh vi lắm! Đối với cây nhỏ, bụi rậm thì họ phát quang, còn cây lớn thì vạt vỏ, tạo rãnh trên thân khiến cây chết dần. Cây rừng chết đến đâu, cây trồng xen đến đó. Một thời gian sau, người dân “hợp thức hóa”  đất rừng bằng việc đốn hạ cây đã chết rồi tiếp tục mở rộng diện tích. Đây! Các anh thấy đó, những cây này đã bị “ken gốc” mà vẫn kiên cường trổ lá, nhưng thật ra cây đang “hấp hối”, vì nó không chết trong mùa nắng này thì cũng bị “ken” tiếp cho đến chết hoặc bị đốn hạ nay mai thôi” - anh T.T nhìn những cây rừng nói trong buồn bã. Anh Nam (ngụ xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng), một người chuyên đi “phượt” lo lắng cho biết: “3 năm trước, khu vực rừng này rất đẹp, nó còn giữ được vẻ hoang sơ, trong lành. Tết vừa qua, tôi cùng bạn bè trở lại đây để du ngoạn, nhưng ai cũng thất vọng trước việc những cánh rừng nơi đây đang dần biến mất, không còn như trước nữa. Nếu không có sự quan tâm đúng mức, tình trạng xâm lấn đất rừng còn diễn ra thì những thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp tuyệt vời này mai sau chỉ còn là dĩ vãng”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực rừng nguyên sinh bị tàn phá nằm rải rác hai bên thác Trượt và thác Đầu Trâu với diện tích phải tính bằng ha. Vấn đề đặt ra: Tình trạng này còn tiếp tục thì hệ sinh thái rừng nơi đây sẽ ra sao. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đến đâu khi để rừng nguyên sinh bị “bức tử”? Bao giờ chấm dứt việc xâm lấn đất rừng nguyên sinh để làm nương rẫy... Những vấn đề nêu trên cần có câu trả lời thỏa đáng!

Điều tra: TRẦN MINH - VĂN TIẾN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi: 
Cần khai thác tốt hơn lợi thế, tiềm năng thị xã
BTO-Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, vào sáng nay, 24/4. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí đại diện Vụ Địa phương II, Văn phòng TW Đảng; Cơ quan thường trực phía Nam, Ban Tuyên giáo TW Đảng; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Bức tử” rừng nguyên sinh