Theo dõi trên

Bi kịch một gia đình

30/05/2019, 11:11

BT- Người ta thường nói “hổ dữ không ăn thịt con”, thế nhưng bị cáo trong vụ án này lại nhẫn tâm cầm dao đâm chết con ruột của mình. Để rồi đến ngày ra tòa, người ta phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng khi mà bị cáo, bị hại và người làm chứng của vụ án này đều là người cùng một nhà…

                
Nguyễn Văn Hà tại tòa.

 Ghen tuông mù quán

Ngồi ủ rũ nơi hàng ghế bị hại, khuôn mặt gầy hằn sâu từng vết chân chim của một người phụ nữ có nước da đen sạm, bỗng cúi gằm khi có ai đó nhắc đến tội tình của bị cáo. Người phụ nữ ấy là bà T.H (50 tuổi) đến tòa với tư cách là đại diện hợp pháp cho bị hại, nhưng cũng là vợ của bị cáo Nguyễn Văn Hà (50 tuổi, trú tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong).

Từ lâu rồi, bà H không còn biết khóc, bao nỗi đau, cực khổ chồng chất trong những năm tháng qua, dường như đã lấy đi hết nước mắt của bà. Chỉ tay vào một bé gái xinh xắn, khoảng độ chừng 4 – 5 tuổi đang ngồi kế bên, bà H bảo đây là cháu nội của bà, ba mẹ con bé bỏ nhau, con trai bà giành quyền nuôi con, nhưng giờ đây con bà mất rồi, để lại đứa cháu không ai chăm sóc. Càng nhìn cháu vô tư cười nói, bà càng đau đáu nỗi lo, khi chồng bà bị bắt giam, bà thì không còn đủ sức khỏe để lao động. Nói về căn nguyên của sự việc, bà H kể, dù hai vợ chồng bà đã có với nhau 4 mặt con, nhưng chưa một ngày bà cảm thấy gia đình êm ấm, hạnh phúc vì ông Hà suốt ngày nổi cơn “hoạn thư”, rồi chửi bới, đánh đập bà. Tuy ghen tuông, nghi ngờ vợ đến mức mù quáng, nhưng ông Hà luôn cho đó là cách mà ông yêu thương, cách để ông giữ vợ bên cạnh.

Khi những đứa con lớn lên và bắt đầu hiểu biết, chúng ngỡ ngàng, đau đớn khi nhìn cha cứ mỗi chiều sau những giờ đi làm, ông lại trở về nhà trong hơi men, rồi lại kiếm chuyện đánh đập mẹ, và chúng lao vào can ngăn, bảo vệ mẹ. Nhưng những lần như vậy, bà chỉ biết khuyên nhủ chúng nên học cách chịu đựng, bởi dù sao ông cũng là cha ruột. Thế nhưng, hình ảnh người cha bạo lực vẫn in hằn trong mắt Quan - một trong những người con trai có tính cách nóng nảy, bốc đồng luôn khiến bà H phải lo lắng. Năm tháng cứ thế trôi qua, trong cơn say và cả những khi tỉnh, ông Hà vẫn thường xuyên chì chiết, chửi rủa, thậm chí bêu rếu rằng “vợ làm đĩ” khiến những đứa trẻ càng thêm tủi hổ. Từ một người con luôn nể sợ cha, Quan dần chán ghét và hận cha đã bạc đãi mẹ, để rồi khi trưởng thành, Quan có thể tự tin mà nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, con phải bảo vệ cho mẹ, không ai được phép đánh mẹ nữa. Giờ ba có đánh mẹ thì nhớ gọi cho con, con chở mẹ đi…”.

Câu nói của Quan dường như đã phần nào xoa dịu được nỗi đau của người mẹ khốn khổ. Những lần gây gổ với chồng sau đó, bà lại gọi cho Quan chở bà đi “lánh nạn”. Khi bị ông Hà phát hiện, hai cha con lại cãi vả, rồi Quan lao vào đánh cha, sức thanh niên nên lần nào phần thắng cũng nghiêng về Quan, có lần Quan đánh ông Hà đến mức ông phải nhập viện. Cứ thế mâu thuẫn giữa vợ chồng, cha con ngày càng trầm trọng. Đỉnh điểm là vào chiều tối ngày 26/11/2018.

 Nhát dao oan nghiệt

Như thường lệ, ông Hà đi uống rượu về và nói với vợ: “Hôm nay ăn cơm với gì”, bà H trả lời: “Bữa giờ trời bão nên ăn cơm với cá khô”, ông Hà gắt gỏng: “Sao cho ăn vậy?”. Biết chồng chuẩn bị nổi cơn “lôi đình”, bà H đi ra phía trước hiên nhà ngồi, ông Hà cũng đi theo chửi rồi dùng tay đè vào cổ bà, sau đó ông Hà đi vào lại trong nhà. Sợ bị ông Hà đánh, nên lần này bà H cũng điện thoại cho Quan đến chở bà về nhà riêng của Quan, cách đó khoảng 100m. Thấy Quan đến, ông Hà buông những lời nói khó nghe, chửi vợ “đi làm đĩ”, nghe vậy Quan nói “ông chửi mẹ tôi đi làm đĩ hả…”, ông Hà nói Quan “mày là con chứ không phải làm cha tao, mà mày thích chửi ai thì chửi”. Quan chỉ tay về phía ông Hà nói: “Ông cà chớn, tôi đánh chết ông”, rồi lên xe chở mẹ về nhà của mình.

Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, ông Hà đem theo 1 quả táo và 1 con dao, vừa gọt táo ăn, vừa đi theo hướng về nhà của vợ chồng Quan. Khi đi đến cách nhà Quan khoảng 40m, thì ông Hà lại tiếp tục chửi bới. Lúc này, Quan đi ra và nói “mày muốn gì?”. Thấy vậy, ông Hà liền lấy điện thoại trong túi áo ra giả vờ điện thoại cho anh em lên đánh lại Quan, nhằm mục đích hù dọa, Quan xưng hô: “Mày gọi thằng nào lên, tao giết thằng đó” “Mày tin tao vật đầu mày xuống nước không?”... Thấy thái độ hỗn xược của con, cộng thêm men rượu đang phừng phừng trong người, khiến người cha không giữ được bình tĩnh, hai cha con lao vào đánh nhau. Trong lúc giằng co, xô xát, sẵn con dao trên tay, ông Hà đâm một nhát trúng vào hông trái của Quan, Quan bỏ chạy về gần đến nhà thì gục ngã rồi tử vong trên đường đi cấp cứu. Ông Hà lúc này như chết sững…

Tại tòa, dáng người còm cõi của ông Hà nhỏ thó run rẩy trong bộ áo tù. Vị chủ tọa hỏi bị cáo có nhận ra lỗi của mình? Ông Hà ấp úng trả lời: “Bị cáo có lỗi giết con, một tội ác không thể nào tha thứ”. Chủ tọa hỏi tiếp: “Hành vi của bị cáo, cũng bắt nguồn từ những mâu thuẫn đã có từ trước, những lần con trai đánh bị cáo, tại sao bị cáo không báo chính quyền địa phương để pháp luật can thiệp?”, ông Hà nói: “Do vợ bị cáo can ngăn, một phần cũng vì Quan là con ruột nên không muốn làm to chuyện”. Tòa giải thích: “Gia đình bị cáo mất đi sự tôn ti trật tự cũng vì bị cáo, làm cha nhưng không biết cách cư xử trong gia đình, không biết cách giáo dục con cái cho phù hợp, để rồi dẫn đến bi kịch ngày hôm nay”. Như nói đỡ cho chồng, bà H đứng lên khẩn khoản xin HĐXX: “Không ai hiểu con mình bằng mẹ, gia đình tôi ra nông nỗi này cũng do lỗi của tôi một phần. Tôi mong HĐXX giảm nhẹ mức án cho chồng tôi, sớm trở về với gia đình để đi làm lo cho cháu nội ăn học, chứ tôi khổ lắm, nay đau mai ốm, một thân một mình tôi lo cháu không nổi …”.

Sau giờ nghị án, xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, tòa quyết định tuyên phạt Nguyễn Văn Hà 8 năm tù tội “Giết người”. Tòa đã tuyên án xong, nhưng ở một góc phòng xử, bà H vẫn cứ ngồi lặng câm như hóa đá, ánh mắt nhìn trân trân vào khoảng không vô định trước mặt. Một hồi lâu, như sực tỉnh, bà luống cuống đứng dậy kéo tay đứa cháu nội chạy vội ra cổng, nhưng bóng lưng chồng đã khuất dần sau cánh cửa xe bít bùng…

    
    Ở chốn   pháp đình, những vụ án như trên không còn là chuyện hiếm hoi. Tình trạng   các ông chồng nhậu say về chửi bới, nhục mạ, thậm chí đánh đập vợ, con   đang xảy ra ở nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình ở nông thôn.   Những khi đó, người vợ thường hay cắn răng nhẫn nhịn để cho gia đình   “yên ổn”. Song, khi đã quá mức chịu đựng, có người lại phản kháng “quá   trớn” và… hậu quả đau lòng đã xảy ra. Một lần nữa vụ án gióng lên hồi   chuông cảnh báo đến các bậc sinh thành về vấn đề bạo lực gia đình, đừng   để lầm lỗi của cha mẹ làm con trẻ phải gánh chịu thiệt thòi, rồi lớn lên   trong sự tổn thương, thù hận. Đã cho con một nhân dạng, thì xin đừng   tước đoạt của con cuộc sống bình thường đáng ra phải có...

Khánh Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bi kịch một gia đình