Theo dõi trên

Xây dựng vùng sinh thái trên biển ở Hàm Thuận Nam

15/10/2018, 08:37 - Lượt đọc: 34

BT- LTS: Một khi được giao quyền khai thác mặt nước, Hội cộng đồng ngư dân Thuận Quý với sáng tạo của người đi tiên phong, vừa bảo vệ, tái tạo hải sản tốt vừa làm du lịch sinh thái nhộn nhịp sẽ mở ra lối đi chung cho đời sống ngư dân 2 xã Tân Thành, Tân Thuận.

Hy vọng nơi “vùng biển đánh dấu”

Đã bảo vệ, tái tạo được

Tháng 5, 6 vừa rồi, bà con ngư dân làm nghề mực ở xã Thuận Quý trúng lớn. Có đêm, thúng ra khơi 3 - 4 giờ sáng rồi vào bờ lúc 9 - 10 giờ sáng hoặc vào chiều đã thu được 2 - 3 triệu đồng. Đã nhiều năm qua, chuyện biển cho lộc ấy hiếm hoi lắm nhưng năm nay thì bỗng xuất hiện. Mà không chỉ mực, các chủng loại hải sản khác cũng trúng. Bà con tin, chuyện được mùa biển ấy là nhờ sự góp phần của việc thả chà cho hải sản đến trú ngụ sinh sản từ dự án “Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý sò lông, góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam”, có sự tài trợ vốn nước ngoài của chương trình UNDP-GEF SGP, vốn ngân sách và cả đóng góp của ngư dân từ 3 năm trước. Lúc ấy bên cạnh ngăn chặn, bảo vệ vùng biển trong vùng dự án bằng cách không cho các hình thức khai thác tận diệt hoạt động như giã cào bay..., 50 ngư dân tham gia Hội cộng đồng ngư dân Thuận Quý được thành lập, và từ dự án đã tiến hành thả 10 điểm chà kiên cố để bảo vệ cũng như thu hút các loài hải sản đến sinh sống. Vì thế, đến năm nay, sản lượng khai thác hải sản của Thuận Quý đã vượt kế hoạch đề ra, được 780/760 tấn, trong khi trước đây hàng năm chỉ loanh quanh ở 400 - 500 tấn.

                       
      
      
   Hội cộng đồng tổ chức thi công, đánh dấu giới hạn vùng    biển bằng 18 điểm chà bằng bê tông, sọt sắt… nhằm ngăn ngừa nạn giã    cào bay khai thác trái phép và thu hút các loài hải sản đến sinh    sống. Ảnh: Đ.Hòa

Hiện giờ, đã kết thúc vụ cá nam. Trong khi ngư dân ở các nơi khác lo lắng biển có cho lộc những tháng cuối năm không thì ở Thuận Quý, các ngư dân bắt đầu đi thăm dò sản lượng sò lông, nguồn lợi xuất phát từ 3 năm trước đã thả xuống biển 112 tấn sò giống. Dù ngay lúc ấy có nhận định lượng sò giống bị chết lên đến 60 - 70%, do bất lợi thời tiết nhưng sau 30 tháng tính từ lúc dự án triển khai, người của Chi cục Thủy sản khi lặn xuống đáy thấy những nơi vốn trước kia không có sò lông thì nay đã bắt đầu có lại. Năm 2017, Hội cộng đồng ngư dân Thuận Quý khai thác thử 20 tấn, thấy số lượng sò lông còn nhỏ nhiều nên để lại dành cho năm nay. Và đó là lý do khiến các ngư dân ở đây trông ngóng vào những tháng cuối năm này. Vì đó là thành quả của lao động, có gieo, có bảo vệ thì có gặt. Nhưng hơn thế, đó còn là mối cố kết cộng đồng khám phá một lãnh địa mới mẻ ở dưới biển, để rồi mở ra những sinh kế bền vững ít ai ngờ tới. 

Thách thức ẩn

Mọi chuyện có vẻ sẽ khẳng định được hay không với thử thách đầu tiên vào cuối năm nay, thời điểm sẽ khai thác sò lông, sẽ ăn chia như thế nào để tạo sự đồng thuận, quyết tâm của Hội cộng đồng ngư dân Thuận Quý. Bởi đây là một hội cộng đồng tự nguyện, không dựa vào một quy định hay chế tài nào của nhà nước như HTX. Vì thế, quy chế hoạt động của hội, theo Phòng Nông nghiệp và PTNT Hàm Thuận Nam cảm nhận có yếu tố “tự phát” lớn nên dễ xuất hiện nguy cơ tan rã, khi không có sự công bằng trong ăn chia, đó là điều phòng đang quan tâm góp ý. Tuy nhiên cũng nhận định, hội này có ưu thế hơn nhiều so HTX, vì tất cả các ngư dân vào hội tự nguyện. Do thấy rõ quyền lợi nên khi có khó khăn, họ sẽ đoàn kết quyết tâm dễ dàng vượt qua hơn. Bằng chứng, thời điểm dự án đã kết thúc, những ngư dân này vẫn tiếp tục chăm lo vùng biển đánh dấu như vườn nhà mình, để tháng 4/2018 được tiếp nối vào dự án mở rộng mô hình ra 2 xã khác là Tân Thành, Tân Thuận với số tiền đóng góp của ngư dân cao hơn trước nhưng họ vẫn ưng thuận.

Thử thách thứ hai phải tính đến như một bước ngoặt trong kế hoạch phát triển bền vững nghề khai thác sò lông xã Thuận Quý đến năm 2020 được UBND huyện phê duyệt, là sẽ tổ chức loại hình du lịch sinh thái trên vùng biển đã phục hồi ấy, cụ thể như câu cá giải trí, lặn khám phá các rạn san hô…Ngư dân làm du lịch được không?  Có thể được, nếu như trong hội ấy có nhân tố thủ lĩnh đã từng biết làm du lịch. Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Quý Nguyễn Ngọc Hải cho biết, thực tế ở Hội cộng đồng ngư dân Thuận Quý có nhân tố ấy ngay từ ngày đầu hình thành, đó là chủ resort Vĩnh Lộc. Tất cả xuất phát từ bức xúc phát triển. Ngư dân thực thụ vì thấy nguồn hải sản cạn kiệt, ảnh hưởng sinh kế nên quyết tâm thực hiện mô hình. Còn chủ resort này cũng nhìn thấy cơ hội đầu tư khai thác qua mô hình nên đã nhiệt tình tham gia ngay từ những ngày đầu. Nhờ vậy, chuyện du khách lên bè ngồi câu cá giữa biển rồi thưởng thức hải sản do mình câu… không còn là chuyện xa xôi, khi hội được giao quyền khai thác mặt nước.

Hiện các ngành chức năng đang thực hiện các bước để phân cấp quản lý, giao quyền khai thác mặt nước này. Điều đó tương tự như cấp quyền sử dụng đất trên bờ vậy. Một khi tự chủ, Hội cộng đồng ngư dân Thuận Quý với sáng tạo của người đi tiên phong, vừa bảo vệ, tái tạo hải sản tốt vừa làm du lịch sinh thái nhộn nhịp sẽ mở ra lối đi chung cho 2 xã Tân Thành, Tân Thuận. Điều đó có nghĩa một dải ven biển của Hàm Thuận Nam là vùng biển sinh thái đặc biệt đầu tiên của tỉnh. Và điều đó có bền vững hay không, còn tùy thuộc vào chuyện có ngăn được tình trạng rác thải khu dân cư và các hoạt động khác trên bờ đổ vào Suối Nhum rồi tuôn ra cửa biển, nơi có vùng biển đánh dấu của ngư dân? Đó là thách thức ẩn, chính quyền nơi đây cần có giải pháp sớm.

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng vùng sinh thái trên biển ở Hàm Thuận Nam