Theo dõi trên

Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu thanh long an toàn: Cơ hội cho nông dân trồng thanh long VietGAP

27/03/2019, 08:49 - Lượt đọc: 72

BT- Trong tháng 3/2019, sự kiện UBND tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Nafoods Group về phát triển vùng nguyên liệu thanh long đỏ và trắng an toàn hữu cơ, phục vụ xuất khẩu quả tươi và chế biến đang mang hy vọng đến cho địa phương và nông dân trồng thanh long trong tỉnh. 

                
   Lễ ký kết hợp tác.

VietGAP… còn lắm bấp bênh

Toàn tỉnh hiện có gần 30.000 ha thanh long. Con số này chứng minh cho sự phát triển “vũ bão” của thanh long Bình Thuận. Tuy vậy, trong số diện tích ấy, hiện chỉ có trên 10.100 ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thị trường chủ yếu của “rồng xanh” phần lớn vẫn là đường tiểu ngạch, chưa thực sự chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng trái.

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long, đến nay sau 10 năm triển khai VietGAP, nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp nào chuyên thu mua sản phẩm làm theo VietGAP. Nhiều diện tích sản xuất thanh long an toàn nhưng chưa gắn kết được với thị trường tiêu thụ; giá cả chưa có sự khác biệt nên chưa khuyến khích được người sản xuất thực hiện chương trình thanh long VietGAP. Vì vậy, các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc thu mua sản phẩm an toàn VietGAP, dẫn đến tư tưởng còn chủ quan, xem nhẹ sản xuất theo hướng an toàn. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ sản xuất VietGAP để tiêu thụ sản phẩm thanh long an toàn còn quá ít, chưa được quan tâm triển khai quyết liệt. 

Mở ra cơ hội

Theo nội dung thỏa thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai và ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nafoods Group, 2 bên thống nhất hợp tác để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cây thanh long an toàn, hữu cơ tại tỉnh Bình Thuận theo chuỗi giá trị, với quy mô diện tích tối thiểu 10.000 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến 2.000 tỷ đồng, trong thời gian từ năm 2019 đến 2023.  Cụ thể, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho công ty liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long với các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh với diện tích khoảng 10.000 ha. Phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát từ 200 - 500 ha đất và tối thiểu 10 ha đất theo hướng: doanh nghiệp tự thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ nông dân. Người dân góp vốn cùng với doanh nghiệp thông qua giá trị đất; doanh nghiệp hợp đồng thuê đất của dân để đầu tư mô hình trồng thanh long theo hướng công nghệ cao, hiện đại và xây dựng kho vật tư nông nghiệp, phân bón, kho lạnh bảo quản, cũng như sơ chế, đóng gói cho cây thanh long. UBND tỉnh giám sát việc thực thi các cam kết 2 chiều giữa doanh nghiệp và các hộ trồng nguyên liệu và ngược lại. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển vùng trồng bền vững…

Về phía doanh nghiệp, Công ty cổ phần Nafoods Group sẽ có trách nhiệm cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tư vấn kỹ thuật; giới thiệu tư vấn cấp chứng chỉ an toàn và hữu cơ đối với các sản phẩm được tạo ra từ vùng quy hoạch nguyên liệu trong chuỗi giá trị sản phẩm mà công ty thực hiện. Nafoods Group sẽ tổ chức huấn luyện, đào tạo cho bà con nông dân theo mô hình “cung cấp giống tốt, kỹ thuật viên hỗ trợ”, bao tiêu sản phẩm đầu ra giá ổn định, hợp lý.  Mặt khác, cam kết áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Có giải pháp giống, kỹ thuật canh tác phù hợp, tạo ra nông sản năng suất chất lượng và cạnh tranh. Sau khi phát triển và ổn định vùng nguyên liệu thanh long, doanh nghiệp sẽ đầu tư và xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm từ thanh long trên địa bàn tỉnh…

Đây là một cơ hội không nhỏ cho thị trường thanh long Bình Thuận. Trước mắt là nông dân trồng thanh long VietGAP, GlobalGAP tại các tổ hợp tác, hợp tác xã thêm nhiều quyền lợi. 

KiỀu HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu thanh long an toàn: Cơ hội cho nông dân trồng thanh long VietGAP