Theo dõi trên

Vượt ngưỡng

30/05/2019, 15:02

Bài 2: 4 cơ sở “khuynh đảo” thành phố

BT- Cuộc di dời các cơ sở ra đây vào thời gian ấy được xem là cứu cánh nhưng rồi điều đó đã không còn là ưu điểm. Đến giờ, nó đã thành “vết sẹo xấu” trong phát triển kinh tế, nhất là ở thành phố du lịch như Phan Thiết.

                
Những cột khói cao ngang trụ điện của một    cơ sở chế biến bột cá.

 Sự thật

Đi vào khuôn viên khu chế biến hải sản Phú Hài, tôi mới cảm nhận chiếc khẩu trang trên mặt chẳng có nghĩa lý gì. Mùi hôi tổng hợp nồng nặc cứ xộc vào mũi gây ho húng hắng liên tục như người già trong bữa ăn. Xác mắm đổ vương vãi trên lề đường nội bộ, ruồi nhặng bu đầy, mỗi khi xe cộ chạy qua là nghe chúng reo hò. Hầu như cơ sở nào cũng tường cao che chắn kín như đồn bót, chỉ nghe và cảm nhận bên trong đó công nhân đang hối hả sản xuất và dòng nước chảy từ trong ra con mương bên ngoài cứ đen một màu. Tôi chợt nhớ những lời nói như đinh đóng cột của một số người dân ở thôn Ung Chiếm là dù có đầu tư hệ thống xử lý nước thải nội bộ, các cơ sở vẫn không vận hành hệ thống đó mà thường xả thẳng nước bẩn ra mương. Rồi không biết chuyện vận hành xử lý của hệ thống chung của cụm thế nào mà nước đổ ra sông Phú Hài không hề trong. Cuộc tự tìm hiểu của các hộ dân diễn ra từ 4 năm trước, thời điểm mà chuyện ô nhiễm ở đây lên đến đỉnh điểm, lòng người xao xác thì có một cuộc giám sát lớn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về khu chế biến này đã triển khai. Sau đó, khắc phục được việc không cho các cơ sở hoạt động từ 19h đêm hôm trước sang 5h sáng hôm sau, để trẻ em học được bài, người lớn có thời giờ nghỉ ngơi cho hôm sau. Các cơ sở có vẻ quyết liệt hơn trong đầu tư, cải tạo, nâng cấp công trình xử lý nước thải, khí thải đảm bảo đạt quy chuẩn cho phép. Nhưng thực tế nước thải ra, khí thải ra đều khiến dân sinh sống trong vùng bức xúc từng ngày.

Nghe nói, khi đoàn giám sát đến, các cơ sở đã cho tham quan hệ thống xử lý nước nội bộ. Thực tế, trước mắt nước đen ngòm qua xử lý, khi chảy ra ngoài nước đã trong. Nhưng khi đoàn rút đi, họ dừng vận hành hệ thống, xả nước thải tự nhiên, để không tăng thêm chi phí. Ai bắt tận tay được? Cả khu chế biến đến 60 - 70 cơ sở này, làm sao có thể chỉ đích danh thủ phạm. Thêm nữa, không ai dại gì mất tiền, khi xung quanh còn không ít cơ sở chưa xây dựng hệ thống xử lý. Báo cáo giám sát của đoàn lúc đó cho thấy: “Có 22/64 cơ sở đã tách riêng nước thải, nước mưa và đấu nối đúng vị trí quy định; số còn lại chưa tách riêng nước thải, nước mưa mà đấu nối chung vào hệ thống thu gom nước thải của cụm”. Còn đến nay, theo báo cáo của Chi cục Môi trường tỉnh, các cơ sở ở đây đã thực hiện xong việc cải tạo, tách riêng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và đấu nối đúng vị trí quy định. Tuy nhiên, hệ thống thu gom chung của cụm hoạt động hơn 10 năm nay đã bị xuống cấp, hư hỏng, nhiều đoạn bị nghẽn khiến nước thải không về được Nhà máy xử lý nước thải tập trung nên hệ thống không vận hành thường xuyên.

Tất cả đã lý giải rõ, trước đây khi hệ thống xử lý chung hoạt động tốt thì các cơ sở chưa thể đấu nối nước thải được, còn sau này các cơ sở đã đấu nối được thì hệ thống chung lại hư hỏng. Trong khi đó, với khí thải, chủ yếu của các cơ sở sản xuất phân vi sinh, bột cá thì cũng diễn ra tương tự. Sau bao nhiêu bận cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt, bây giờ  cơ sở nào cũng có xây dựng công trình xử lý khí thải, khí được đo để test đều cho kết quả đạt quy chuẩn. Nhưng vấn đề ở chỗ hệ thống đó có được vận hành không, câu hỏi không cần phải trả lời, vì thực tế những người dân ở khu vực này đã biết từ lâu.

 Điểm mặt 

Theo những người biết sự hình thành khu chế biến hải sản Phú Hài thì ngay lúc ban đầu, tên gọi của nó là khu chế biến nước mắm Phú Hài. Lúc ấy, đã quy tụ đến 45 cơ sở sản xuất, chế biến nước mắm, hình thành một làng nghề truyền thống. Theo thời gian, xuất hiện thêm các cơ sở sản xuất phân vi sinh, sản xuất bột cá,… nên từ đó, có tên gọi khác là khu chế biến hải sản Phú Hài hay Cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài. Ngay thời điểm đó, môi trường ở các khu dân cư có các cơ sở trên đã báo động ô nhiễm. Cuộc di dời các cơ sở ra đây vào thời gian ấy được xem là cứu cánh nhưng rồi điều đó đã không còn là ưu điểm. Đến giờ, nó đã thành  “vết sẹo xấu” trong phát triển kinh tế, nhất là ở thành phố du lịch như Phan Thiết. Chính mùi hôi thối mà chủ yếu từ các cơ sở sản xuất phân vi sinh, bột cá phát tán trong không khí theo mùa gió đã uy hiếp sự an lành nhiều vùng trong thành phố chứ không chỉ vùng giáp ranh Phú Hài - Ung Chiếm. Khi gió nam thổi, thôn Ung Chiếm “điếc mũi” đã đành, một số nơi ở vùng du lịch Hàm Tiến - Mũi Né cũng cảm nhận được mùi ô nhiễm vô danh ấy trong làn gió. Còn khi gió bấc thổi, các khu dân cư ở các phường Phú Hài, Thanh Hải, Phú Thủy và cả các khu dân cư mới hình thành như Hùng Vương, Đông Xuân An… cùng bị hưởng mùi hôi thối lạ này.

Tôi nhớ cái cách bà Tư ở thôn Ung Chiếm vừa kể, vừa lắc đầu rằng hôm ấy, bà và một số người quen ở Sài Gòn đang đứng trên lầu 2 của Sealink thì mùi ô nhiễm này ào tới. Ai cũng bất ngờ, vì quanh đây toàn resort, nơi nào cũng cố gắng bảo đảm: xanh -sạch - đẹp để thu hút khách, vậy mùi này ở đâu ra? Bà Tư nghe mùi quen quá và cũng ngạc nhiên với mức độ phát tán mùi hôi theo gió xa đến như thế. Bà bỗng thấy lo, không biết vùng du lịch mà có mùi hôi như thế có thể phát triển được không. Nỗi lòng của bà Tư cũng là tâm tư của bao người khác. Không thể hiểu vì sao 4 cơ sở làm “khuynh đảo” thành phố này lại tồn tại lâu như thế, khi chính việc sản xuất kinh doanh của mỗi cơ sở đều ì ạch, thậm chí là lỗ.

Số liệu từ Chi cục Thuế Phan Thiết cho thấy từ năm 2014 đến nay, Doanh nghiệp tư nhân Ánh Vinh có lợi nhuận thu về sau thuế thu nhập doanh nghiệp với năm cao nhất là 2014 chỉ 128 triệu đồng và năm thấp là 2018 với 26 triệu đồng, năm bị lỗ 2015 với 20,6 triệu đồng. Còn với Công ty TNHH Chế biến bột cá Kim Long, đơn vị vừa mới mua lại một cơ sở khác để hoạt động, thành 2 cơ sở là Kim Long - lô E1, Kim Long - lô D9 thì lợi nhuận thu về quá thấp, ngại hơn là số năm bị lỗ liên tiếp. Cụ thể, năm 2014, 2016 bị lỗ lần lượt là 103,4 triệu đồng, 129,2 triệu đồng; năm có mức lợi nhuận cao nhất là 2015 với 174,2 triệu đồng, còn năm gần nhất 2018 chỉ lời 448.000 đồng. Trong khi đó, Chi nhánh Công ty TNHH sản xuất và thương mại Linh Phương vốn đã ngừng hoạt động, vì năm nào cũng bị lỗ với con số tổng sau 5 năm khoảng 2,7 tỷ đồng. Lý do là hàng không bán được…

Một thực tế là thị trường cho mặt hàng bột cá đã khó bán, khi những năm qua, giá heo trồi sụt thất thường đã nói lên tất cả về một vòng lẩn quẩn trong kinh doanh, trong cố ý gây hại môi trường ở đây. Kinh doanh năm được năm không, thì tất nhiên sẽ cắt giảm chi phí ở mức thấp nhất có thể, làm sao có thể tuân thủ vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải ? Đó là chưa nói phải đối phó với quá nhiều các đoàn kiểm tra, thanh tra đến “thăm hỏi”. Như sắp tới, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Cơ sở chế biến bột cá Ánh Vinh - DNTN Ánh Vinh trong quý II/2019; còn 3 nhà máy chế biến bột cá của Công ty TNHH Chế biến bột cá Kim Long, Công ty TNHH Thức ăn gia súc Kim Đào, sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra trong năm 2019 theo Quyết định số 3549/QĐ-BTNMT ngày 23/11/2018.

 Bài 3: Xóa ngành nghề sản xuất bột cá

Phóng sự điều tra: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt ngưỡng