Theo dõi trên

Vốn vay tàu “67” hoạt động ra sao?

20/04/2021, 09:59

Bài 2:Tồn tại nhiều khó khăn

BT- Hỗ trợ ngân hàng nắm bắt thông tin giám sát lịch trình khai thác của chủ tàu về hiệu quả khai thác của tàu cá, có biện pháp thu nợ phù hợp, có giải pháp xử lý cụ thể đối với trường hợp chủ tàu có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ, không trả nợ ngân hàng, là giải pháp cần tính đến.

Nhiều khách hàng bị ngân hàng khởi kiện

Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 đã phát sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý, thu hồi nợ đã cho vay. Hàng năm, Agribank đã tiến hành rà soát những khoản nợ có vấn đề, nợ tiềm ẩn rủi ro, xây dựng phương án xử lý từng khoản nợ để thực hiện trong năm. Các chi nhánh Agribank có dư nợ theo Nghị định 67 đã thành lập tổ thu hồi, xử lý nợ xấu cho vay theo Nghị định 67. Công tác xử lý thu hồi nợ thông qua biện pháp khởi kiện đã thực hiện với những khách hàng, cụ thể như khách hàng Nguyễn Thị Kính (Agribank La Gi) có dư nợ xử lý rủi ro là 3,6 tỷ đồng (đã thu nợ xử lý rủi ro 32 triệu đồng). Agribank đã khởi kiện, nhưng do tài sản thế chấp không còn nên không có cơ sở để thụ lý. Mặt khác, Agribank đã đề nghị bổ sung tài sản thế chấp để xử lý nợ vay nhưng khách hàng không phối hợp; hiện khách hàng không có khả năng trả nợ. Khách hàng Trần Văn Thanh dư nợ 1,1 tỷ đồng, Agribank La Gi đã khởi kiện và hiện tại đang được Cơ quan Thi hành án thụ lý. Khách hàng Võ Phú Thanh dư nợ 4,845 tỷ đồng, Agribank Phú Quý đã khởi kiện khách hàng. Khách hàng Trần Văn Hoan (Agribank Bình Thuận) dư nợ 7,7 tỷ đồng; hiện nay tàu không hoạt động và khách hàng thông báo bán tàu nên Cơ quan Thi hành án đã thực hiện kê biên tài sản. Khách hàng Lê Văn Bông (Agribank Bình Thuận) dư nợ 4,979 tỷ đồng; tàu không hoạt động, Agribank đã khởi kiện nhưng chưa được thụ lý. Khách hàng Lê Nguyên Thông (Agribank Phú Quý) dư nợ 4,46 tỷ đồng nhưng không hợp tác với ngân hàng trong việc trả nợ; Agribank đã khởi kiện nhưng chưa được thụ lý. Và cuối cùng là khách hàng Lê Thanh Ngọc (Agribank Phú Quý) có dư nợ 4,96 tỷ đồng song cũng không hợp tác với ngân hàng trong việc trả nợ, do đó Agribank đã khởi kiện nhưng chưa được thụ lý.

Đóng mới tàu xa bờ từ vốn vay Nghị định 67. Ảnh: Đ.Hòa

Quá trình thực hiện cho vay theo Nghị định 67 đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến khách hàng vay vốn. Nguyên nhân là do chính sách hỗ trợ của Chính phủ bị thu hẹp (tỷ lệ hỗ trợ mua bảo hiểm thân vỏ tàu từ 90% giảm xuống 50%, không hỗ trợ bảo hiểm ngư lưới cụ, mức hỗ trợ chi phí cho 1 chuyến biển, tiền dầu... cũng bị hạn chế so với trước đây). Ngư trường bị thu hẹp, thiên tai, thời tiết, mất mùa, sản lượng sụt giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; tàu đóng mới kém chất lượng bị hư hỏng, tàu bị thiên tai, bị đâm va gây hư hỏng phải sửa chữa, chủ tàu bị tai nạn không có khả năng đi biển; chủ tàu chết, mất tích... Trên cơ sở đó, ngân hàng đã thực hiện các giải pháp bao gồm cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ 91 tàu, với tổng dư nợ là 144,6 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay 81 triệu đồng cho 1 tàu có dư nợ 14,7 tỷ đồng…

Vướng mắc

Đến nay nhiều ngư dân vẫn hiểu và nhận thức chưa đúng về chính sách thủy sản theo Nghị định 67 là không cần vốn thế chấp, không cần vốn đối ứng… nên còn chủ quan, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. Do phải khai thác tại ngư trường mới nên một số tàu cá không quen với nghề khai thác mới vì vậy hiệu quả chuyến biển chưa cao, thu nhập lao động thấp. Do đó, lao động không tham gia sản xuất tại tàu, tàu cá thiếu lao động phải nằm bờ. Mặt khác, phần lớn tàu cá khai báo hoạt động kém hiệu quả không trả được nợ đến hạn phân kỳ, đề nghị cơ cấu nợ vay. Trên địa bàn tỉnh, mặc dù có nhiều chi nhánh ngân hàng đang hoạt động nhưng chỉ có duy nhất Agribank là cho vay chính sách phát triển thủy sản, điều này chưa tạo được sự phong phú trong giải ngân. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu gây nhiều bất lợi cho sản xuất nghề cá. Bên cạnh đó, số lượng tàu cá lại phát triển quá nhanh làm gia tăng cường lực khai thác trên các vùng biển trong khi nguồn lợi thủy sản đang ngày càng bị suy giảm. Vì vậy, một lượng ít tàu cá hoạt động có thu nhập để trả nợ vay ngân hàng, hầu hết các chủ tàu chỉ dựa vào khoản hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ để trả nợ vay nên việc thu nợ gặp nhiều khó khăn, thiếu bền vững. Một số khách hàng thấy ngành nghề kinh doanh không hiệu quả, có ý định chuyển đổi ngành nghề khác. Nhưng hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn thủ tục chuyển đổi ngành nghề hoạt động tàu cá của các bộ, ngành.

Chính sách hỗ trợ bảo hiểm thiếu nhất quán, theo Nghị định 67 và  Nghị định 89, Nhà nước hỗ trợ hàng năm 90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu có công suất máy chính trên 400CV. Nhưng nay, theo Nghị định số 17, Nhà nước hỗ trợ hàng năm 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, không tính phần giá trị của trang thiết bị khai thác và ngư lưới cụ trong khi đó giá trị các trang thiết bị và ngư lưới cụ chiếm khoảng 2/3 giá trị của cả con tàu. Mặt khác, theo quy tắc bảo hiểm thực hiện Nghị định 67 thì ngư lưới cụ (kể cả thiết bị khai thác) chỉ được bồi thường khi bị tổn thất 100% theo tàu.  Ngân hàng đã làm việc với khách hàng yêu cầu thực hiện đúng cam kết mua bảo hiểm (thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ) trong suốt thời gian vay, trường hợp khách hàng không thực hiện trả phần bảo hiểm phải thanh toán hàng năm theo cam kết, để bảo đảm tính liên tục của hiệu lực bảo hiểm chủ tàu phải nhận nợ bổ sung đối với khoản phí bảo hiểm này (trừ phần kinh phí bảo hiểm được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo khoản 2 Điều 12 Quyết định 220/QĐ-NHNo-HSX) hoặc nếu không mua bảo hiểm đủ bảo đảm tiền vay thì bổ sung tài sản khác để bảo đảm đủ khoản vay theo quy định. Tuy nhiên, khách hàng không chịu nhận nợ bổ sung để trả phí mua bảo hiểm trang thiết bị, ngư lưới cụ cũng như không bổ sung tài sản khác để thế chấp bảo đảm khoản vay bù đắp cho giá trị tài sản bảo đảm đang thiếu.

Việc vi phạm lãnh hải trong quá trình khai thác cũng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng, tác động đến chất lượng tín dụng ngân hàng do bị cắt tiền hỗ trợ dầu và bị tịch thu tàu. Cho vay theo Nghị định 67 là chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ, ngoài tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay là con tàu, khách hàng vay không phải thế chấp/bổ sung tài sản khác để bảo đảm cho khoản vay (trừ trường hợp khách hàng tự nguyện). Tuy nhiên khi thực hiện định giá lại tài sản theo định kỳ, giá trị còn lại không đủ đảm bảo cho dư nợ vay hiện tại, đối với khách hàng không có khả năng trả nợ, phải cơ cấu nợ gốc hàng năm. 

Kiến nghị

Để đảm bảo tính nhất quán của chính sách và giúp chủ tàu tiết kiệm giảm chi phí sản xuất hàng năm, theo Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67, cần sửa đổi quy định hỗ trợ bảo hiểm tại Nghị định 17 của Chính phủ. Theo đó, nâng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu đối với tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 lên 90% như mức hỗ trợ ban đầu tại Nghị định 67. Đồng thời bổ sung quy định phần giá trị bảo hiểm thân tàu được tính hỗ trợ bao gồm cả trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu. Cho phép những khoản vay điều chỉnh kỳ hạn trả nợ được hỗ trợ lãi suất để tạo điều kiện cho khách hàng giảm bớt khó khăn. Đối với những khách hàng chuyển đổi nghề vẫn được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67. Đối với các chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do tình hình thời tiết ngư trường mùa vụ bất lợi, đề nghị Chính phủ cho phép được cơ cấu lại nợ vay nhưng vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 và không bị chuyển nhóm nợ. Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tại Quyết định 48 theo hướng nâng số chuyến biển được hỗ trợ chi phí nhiên liệu theo thực tế hoạt động của tàu cá ngư dân trên các vùng biển xa (hiện nay quy định chỉ hỗ trợ tối đa 4 chuyến/tàu/năm).  UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương phối hợp với ngân hàng đôn đốc ngư dân trả nợ vay đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Đồng thời kiến nghị cơ quan cấp trên giải quyết cấp phép cho các tàu đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động nghề dịch vụ hậu cần được phép bán dầu trên tất cả các vùng biển của Việt Nam…

Trần Thi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vốn vay tàu “67” hoạt động ra sao?