Theo dõi trên

Vấn đề “thực phẩm bẩn”: Kiểm tra từ “gốc” mới giải quyết được

24/06/2016, 14:11

BT- “Tháng hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm” vừa qua, tại  Bình Thuận đã phát hiện nhiều vụ chế biến thực phẩm có chất độc hại. Để hiểu rõ hơn vấn đề, Báo Bình Thuận  cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh.

                
Ông Nguyễn Văn Thành -

 Phó Chi cục trưởng

   

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh.

   Ảnh: Ngọc Lân

Vừa qua, Cảnh sát môi trường (CSMT) đã phát hiện 3 cơ sở sản xuất giá đỗ ở Hàm Thuận Bắc có dùng vôi, thạch cao và hóa chất của Trung Quốc trong sản xuất. Ông có thể nói rõ hơn, cũng như sự độc hại  đối với sức khỏe con người?

Ông Nguyễn Văn Thành:  Tôi chưa nhận được kết quả xét nghiệm cụ thể của CSMT nên không thể kết luận được. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn, có thể đưa ra một số khuyến cáo như: Đá vôi/thạch cao hoặc có tên khác là Soda ash light, công thức hóa học là Na2CO3. Đây là chất tẩy trắng. Người ủ giá sử dụng chất này để làm trắng giá cho đẹp. Nếu Soda ash light  sử dụng trong công nghệ thực phẩm, tinh khiết và dùng đúng liều lượng thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu là Soda ash light  công nghiệp thì chắc là sẽ có chứa thêm các thành phần độc hại khác,  ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Hóa chất của Trung Quốc mà bà con thường dùng làm giá thuộc loại hoạt chất 6-benzylaminopurine thuộc nhóm cytokinin và gibberelin A28. Theo nghiên cứu, nếu sử dụng các hóa chất này lâu ngày sẽ tích tụ lại trong cơ thể, đặc biệt là ở gan, nó tàn phá tế bào cơ thể, gây một số bệnh mạn tính về thần kinh, suy gan, suy thận, tác hại lên tim mạch và cuối cùng là ung thư.

Qua “Tháng hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm” vừa qua, kết quả thực hiện như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thành: Với chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, các đoàn thanh tra từ tỉnh đến huyện, xã cần tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến rau, thịt gia súc, gia cầm… Theo báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn: Đã kiểm tra 71 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến rau, củ, quả: có 40 cơ sở đạt (tỷ lệ 56,3%); kiểm tra 33 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 13 cơ sở đạt (tỷ lệ 39,4%); kiểm tra 154 cơ sở kinh doanh rau, củ, quả, trong đó có 84 cơ sở đạt (tỷ lệ 55%)…

Những nội dung vi phạm chủ yếu: Quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; quy định về sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi; điều kiện trang thiết bị…

                       
      
      
Cơ sở sản xuất giá đỗ ở Hàm Thuận Bắc có dùng vôi, thạch cao và    hóa chất của Trung Quốc trong sản xuất. Ảnh: Lê Huân

 Cần phải có giải pháp gì nhằm hạn chế vấn đề thực phẩm bẩn đang là mối lo ngại của người tiêu dùng? Chẳng hạn, chất tạo nạc trong thịt heo, sử dụng nhiều hóa chất độc hại trong sản xuất giá đỗ, măng tươi, các loại rau củ...

Ông Nguyễn Văn Thành: Cần có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp với các sở ban, ngành trên cơ sở quy định của Luật An toàn thực phẩm và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Phải thiết lập hệ thống dữ liệu về từng cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến rau, củ, quả cũng như các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đóng ở tỉnh để từ đó có sự theo dõi,  kiểm tra, đánh giá cụ thể, chính xác hơn. Tập trung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm để giải quyết vấn đề từ “gốc” là khâu sản xuất, nuôi trồng và chế biến, mới có thể giải quyết dần vấn  đề trên.

Xin cảm ơn ông!

Quang Tuấn (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vấn đề “thực phẩm bẩn”: Kiểm tra từ “gốc” mới giải quyết được